6 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030

Quảng Nam là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung uơng

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế trên cơ sở phát huy giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Được biết, tỉnh lỵ của Quảng Nam đặt tại TP Tam Kỳ, có đô thị phố cổ Hội An. Quảng Nam nằm ở khoảng giữa Hà Nội và TP HCM tính theo đường quốc lộ 1A. Tỉnh Quảng Nam diện tích 10.575 km2, lớn thứ 6 của Việt Nam, dân số theo cập nhật mới nhất là 1,5 triệu người.

 Một góc TP Tam Kỳ hiện nay. (Ảnh: UBND TP Tam Kỳ).

Sáp nhập TP Tam Kỳ - huyện Núi Thành, đưa Điện Bàn lên thành phố

Cùng với tiến trình lên TP trực thuộc Trung ương, về hệ thống đô thị đến năm 2030, tỉnh này  dự kiến có 25 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 40%.

Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh khoảng 37%, trong đó vùng Đông đạt hơn 39%, vùng Tây 17,6%. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt hơn 40%, trong đó vùng Đông 44,5%, vùng Tây 19,6%.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam dự kiến có 25 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%. Các đô thị bao gồm hai đô thị loại II là TP Tam Kỳ, TP Hội An; một đô thị loại III là TX Điện Bàn; 4 đô thị loại IV là thị trấn Núi Thành, thị trấn Nam Phước, thị trấn Hà Lam, thị trấn Ái Nghĩa.

18 đô thị loại V là thị trấn Phú Thịnh, thị trấn Tam Dân, thị trấn Duy Nghĩa - Duy Hải, thị trấn Kiểm Lâm, thị trấn Bình Minh, thị trấn Đại Hiệp, thị trấn Đông Phú, thị trấn Hương An, thị trấn Tân Bình, ĐTM Việt An, thị trấn Tiên Kỳ, thị trấn Khâm Đức, thị trấn Trà My, thị trấn Thạnh Mỹ, thị trấn P'Rao, thị trấn Trung Phước, thị trấn Tắc Pỏ, thị trấn Tơ Viên.

Về một số định hướng phát triển, tỉnh này dự kiến sáp nhập TP Tam Kỳ - huyện Núi Thành giai đoạn 2026 - 2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.

TX Điện Bàn đến năm 2030 nâng cấp lên thành cấp hành chính là thành phố; huyện Duy Xuyên: Đến năm 2030 đô thị Nam Phước mở rộng kết nối với đô thị Duy Nghĩa - Duy Hải, đô thị Kiểm Lâm và các xã lân cận nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Duy Xuyên.

Huyện Thăng Bình đến năm 2030 đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình.

Các đô thị Tắc Pỏ, thị trấn Tơ Viêng hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2021 - 2025; đô thị Tam Dân, Đại Hiệp hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2026 - 2030.

 Một góc Điện Bàn. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Hai cụm động lực và ba hành lang phát triển theo các trục giao thông lớn

Theo Quy hoạch trên, đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam có hai cụm động lực phát triển bao gồm cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc, đây là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP Đà Nẵng.

Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy. Nâng cao chất lượng khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn.

iều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục quốc lộ 14B huyện Đại Lộc theo hướng kết nối, mở rộng thành các khu công nghiệp; phát triển không gian đô thị Điện Bàn và Hội An gắn kết với đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng, hình thành đô thị nghỉ dưỡng - giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò.

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của ba đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo.

Ba hành lang phát triển gồm hành lang động lực kinh tế ven biển từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển, hành lang này tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.

Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh, tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Có hai khu kinh tế hơn 58.000 ha

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, tỉnh này sẽ có hai khu kinh tế bao gồm khu kinh tế mở Chu Lai và  khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.

Theo đó, Khu kinh tế mở Chu Lai có diện tích tự nhiên 27.040 ha. Đây là một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Quy mô dân số khu kinh tế đến năm 2025 là 250.000 người (trong đó đô thị 120.000 người), đến năm 2035 là 550.000 người (đô thị 450.000 người).

Về quy mô đất đai, dự báo đến năm 2025, đất xây dựng công nghiệp khoảng 3.000 ha, quỹ đất xây dựng các khu chức năng đô thị, du lịch, dịch vụ khoảng 5.000 ha. Đến năm 2035, dự báo các con số trên lần lượt là 5.010 ha và 7.000 ha.

Về định hướng phát triển không gian, quy hoạch đưa ra các khu vực phát triển mới gồm ba khu công nghiệp phát triển mới; Khu cảng và logistic Tam Hòa; Khu đô thị Đông Nam Thăng Bình; Các khu du lịch, dịch vụ tập trung tại một số xã; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Một góc khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: Báo Quảng Nam).

Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, phạm vi nghiên cứu gồm có hai xã Chà Vàl và La Dêê thuộc huyện Nam Giang, với tổng diện tích tự nhiên 31.060 ha.

Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang được quy hoạch trở thành khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với nam Lào, đông bắc Thái Lan... 

Về quy mô dân số và đất xây dựng trong vùng, Quy hoạch dự báo đến năm 2025, dân số trong Khu kinh tế đạt khoảng 15.100 người, trong đó dân số đô thị đạt khoảng 10.300 người; nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị tại Khu kinh tế sẽ đạt khoảng 716 ha; đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn sẽ đạt khoảng 70 ha vào năm 2025.

Quy hoạch cũng đưa ra định hướng phát triển không gian. Cụ thể, hướng phát triển của Khu kinh tế gắn liền với tuyến đường 14D, là trục trung tâm nối Khu kinh tế với các đầu mối giao thông khác của khu vực.

Không gian xây dựng Khu kinh tế được chia thành ba tiểu khu chính, bao gồm tiểu khu I gắn với khu vực cửa khẩu Nam Giang với diện tích khoảng 30 ha.

tiểu khu II bố trí tại khu vực xã Chà Vàl với quy mô khoảng 630 ha, chức năng chính bao gồm khu đô thị, các khu phi thuế quan, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, hành chính công cộng, các cụm dân cư nông thôn…;

Tiểu khu III bố trí tại khu vực xã La Dêê với diện tích khoảng 56 ha, các điểm dân cư nông thôn được phát triển từ các thôn của xã La Dêê dọc theo sông Amó với diện tích khoảng 50 ha và các thôn của xã Chà Vàl quy mô khoảng 20 ha (phần diện tích đất này không thuộc về đất xây dựng đô thị).

Quy hoạch sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030, cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế dự kiến 10 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với diện tích 2.007 ha, với ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 15.968 tỷ đồng.

Giai đoạn đến năm 2050, cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế dự kiến 30 triệu hành khách/năm.

Cũng trong giai đoạn này, cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với diện tích khoảng 2.007 ha, với ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 37.950 tỷ đồng.

 Sân bay Chu Lai. (Ảnh: ACV).

Có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua, xây dựng mới 10 tuyến đường tỉnh

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, Quảng Nam có tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa bàn, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài hơn 140 km, đi qua địa phận ba địa phương gồm TP Đà Nẵng (7,9 km), tỉnh Quảng Nam (91,2 km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1 km).

Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên tại miền Trung, thuộc hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, một phần của dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuyến cao tốc này được khánh thành và đưa vào sử dụng hồi năm 2018.

 Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Cùng với đó, quy hoạch tỉnh sẽ xây dựng mới 10 tuyến đường tỉnh bao gồm ĐT 603C điểm đầu giao ĐT 603B tại Điện Ngọc, điểm cuối tại ranh giới TP Đà Nẵng ở Đại Hiệp, quy mô xây dựng cấp IV, 2 - 4 làn xe.

ĐT 604 có điểm đầu giao QL 14G tại Đông Giang, điểm cuối giao ĐT 609 tại Đại Lộc, quy mô xây dựng Cấp V, IV, 2 làn xe; ĐT 605B với điểm đầu giao QL 14B tại Đại Lộc; điểm cuối giao QL 14H tại Duy Xuyên, quy mô cấp IV, 2 làn xe.

ĐT 610 với điểm đầu giao đường ven biển tại Duy Hải; điểm cuối giao QL 14H tại Duy Phú, quy mô cấp IV, III, 2 làn xe; ĐT 613C có điểm đầu giao đường bộ ven biển tại xã Bình Sa; điểm cuối giao QL 14E tại xã Bình Lâm, quy mô cấp IV, III, 2 làn xe.

ĐT 619B có điểm đầu giao QL 14H tại Nam Phước; điểm cuối giao ĐT 619 tại Bình Sa. cấp IV, III, 2 làn xe; ĐT 606B có điểm đầu giao QL 14D tại Nam Giang; điểm cuối giao ĐT 606 tại Tây Giang, cấp V, VI, 2 làn xe.

ĐT 617B có điểm đầu giao đường Hành lang biển tại Tam Hòa, điểm cuối giao QL 40B tại Tiên Hiệp, cấp VI, 2 làn xe; đường gom cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với điểm đầu nằm tại Đại Lộc, điểm cuối nằm tại Núi Thành, cấp IV, 2 làn xe; tuyến đường vành đai biển với điểm đầu nằm tại Duy Xuyên; điểm cuối nằm tại Núi Thành, cấp IV, 2 - 4 làn xe.