4 tỉ USD rót vào Lazada là bước đi sai lầm của Alibaba và Jack Ma tại Đông Nam Á

Từng được gọi “Amazon của Đông Nam Á”, Lazada khi về dưới quyền kiểm soát của Alibaba đã mất đi thị phần đáng kể. Dường như đây là bước đi sai lầm của tỉ phú Jack Ma với cái giá phải trả lên đến 4 tỉ USD.

Với nền tảng là kẻ thống trị thị trường mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới, Alibaba được nhiều người kì vọng sẽ nhân bản tiềm lực này ở những thị trường khác. Nhưng thực tế, giống như nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, Alibaba đã gặp khó khăn khi tìm kiếm thành công ở thị trường nước ngoài.

Lazada mất thị phần vào tay Shopee

Tờ Wall Street Journal dẫn chứng năm ngoái, chi nhánh tại Việt Nam của Alibaba, tức Lazada Việt Nam, đã đặt kế hoạch sẽ giành thắng lợi lớn với mặt hàng giấy vệ sinh. Tại Trung Quốc, giấy vệ sinh là một mặt hàng phổ biến được mua trực tuyến. Nhờ mua được số lượng giấy lớn có trị giá hàng trăm nghìn USD, Alibaba có thể bán trực tuyến sản phẩm này với giá cực rẻ.

lazada 1

Lần lượt các kế hoạch bán hàng của Alibaba giao cho Lazada đều không được hoàn thành. (Ảnh: Lazada).

Tuy nhiên, ở Việt Nam lại khác. Tập quán của người Việt là không đổ xô đi mua giấy vệ sinh như những gì Alibaba tiên lượng. Vì thế, kết quả là Lazada Việt Nam chỉ bán được một phần rất nhỏ so với mục tiêu đặt ra ban đầu.

Đông Nam Á đã từng là bước đi hợp lí khi Alibaba kiểm soát tại Lazada vào thời điểm nó là công ty thương mại điện tử lớn nhất khu vực, với giá 1 tỉ USD vào năm 2016. Sau đó, Alibaba tiếp tục tăng thêm 1 tỉ USD cho Lazada vào năm 2017 và 2 tỉ USD nữa vào năm 2018 .

Nhìn bề ngoài, đó là những bước đi khá đúng đắn. Thị trường thương mại điện tử trong khu vực có 650 triệu dân, đang phát triển nhanh chóng này được cho là có quy mô lên mức 23 tỉ USD năm 2018. Chưa kể, nhiều quốc gia trong khu vực gió mùa này có nền văn hóa và kinh tế gần giống với Trung Quốc.

Tuy nhiên sau 3,5 năm Alibaba đầu tư, Lazada đã bị mất thị phần ở những thị trường chính. Thậm chí, vị trí số 1 ở khu vực của họ đang bị đe doạ soán ngôi bởi Shopee, được hậu thuẫn bởi Tencent. 

Tại thị trường lớn nhất khu vực là Indonesia, vào năm 2018, Lazada chỉ xếp thứ 4 trong danh sách những công ty thương mại điện tử lớn nhất, sau cả Shopee, Tokopedia và Bukalapak.

bd1

Shopee đang vươn lên là ông lớn trong làng thương mại điện tử Đông Nam Á. (Đồ họa: Tất Đạt).

Trang South China Morning Post còn chỉ rõ Tokopedia và Shopee đều thu hút nhiều khách truy cập hàng tháng hơn Lazada trong quý IV/2018. Hai công ty cũng vượt trội so với Lazada trong việc sử dụng ứng dụng hoạt động hàng tháng.

Sự tăng trưởng của webstie AliExpress tại Nga và Brazil được giới đầu tư mong chờ là niềm hi vọng mới. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal chỉ ra vấn đề nằm ở thị trường Đông Nam Á. Alibaba đang đặt quá nhiều nguồn lực, kì vọng và chú tâm cho thị trường này, dù đây là miếng bánh đang bị xén nhỏ bởi các đối thủ cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Alibaba đang đối mặt với bi kịch này vì số vốn phải chi ra lại ngày một nhiều.

Vì sao Lazada không thể lớn như Alibaba?

Ban đầu, Rocket Internet, đơn vị chủ quản của Lazada, rất hài lòng với thương vụ thâu tóm của Alibaba, vì họ ngưỡng mộ gã khổng lồ Trung Quốc. Alibaba đã thực hiện một loạt cải tổ nhằm xây dựng Lazada có mô hình giống họ. 

Đầu tiên, Alibaba cho xây dựng một nền tảng công nghệ mới tại Hàng Châu và chuyển mô hình kinh doanh của Lazada từ tập trung mạnh vào bán sản phẩm của chính họ, sang hoạt động giống như một sàn thương mại điện tử.

lazada 2

Từ khi Alibaba tạo điều kiện cho các nhà bán hàng Trung Quốc trên Lazada, khách ngày càng "ớn" về chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Tất Đạt).

Vấn đề bắt đầu từ đây. Trong khi Alibaba phục vụ thị trường đồng nhất, Lazada phục vụ cho một khu vực có sự phân hóa cao về ngôn ngữ, tiền tệ và thói quen mua hàng. Dây chuyền và ghim khăn trùm đầu là những mặt hàng bán chạy ở Indonesia, nhưng người mua sắm ở Malaysia có xu hướng hướng tới những mặt hàng bình thường hơn như tã, máy ép trái cây và những thứ tương tự.

Giao hàng là một thách thức trong các thành phố hỗn loạn, tắc nghẽn giao thông. Đặc biệt là ở Indonesia, quốc đảo rộng lớn với hơn 17.000 hòn đảo, có thể mất vài tuần. Ngoại trừ Singapore, tiền mặt khi giao hàng vẫn chiếm phần lớn trong khu vực.

Ngoài ra, họ cũng khuyến khích nhiều người Trung Quốc bán hàng trên Lazada, cố gắng giảm chi tiêu cho việc quảng cáo và giảm giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khâu kiểm soát chất lượng lại không còn sát sao, điều này hình thành nên tâm lí e dè trong khách hàng.

Lazada vẫn là số một?

Một người phát ngôn của Lazada nói rằng thương mại điện tử đang chỉ mới giai đoạn đầu ở Đông Nam Á. Công ty này "tự tin và kiên trì với chiến lược của mình với tư cách là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu khu vực trực thuộc tập đoàn Alibaba".

Tháng 12/2018, Tập đoàn Alibaba đã đưa Pierre Poignant lên ghế phụ trách Lazada. Nhiều người kì vọng, Poignant sẽ chuyên biệt hóa mô hình làm việc của Lazada, khác đi so với Alibaba. Trang South China Morning Post dự đoán không loại trừ khả năng này xảy ra.

lazada 3

Dù phát triển đội ngũ Lazada Express nhưng vấn đề giao hàng vẫn còn nan giải tại các nước Đông Nam Á hải đảo. (Ảnh: Doanh Nhân Sài Gòn).

Ông Pierre Poignant từng tuyên bố nền tảng thương mại điện tử của công ty vẫn đứng đầu Đông Nam Á, với hơn 50 triệu người dùng thường xuyên hàng năm.

"Chúng tôi đang tăng trưởng với tốc độ 3 con số (tức là trên 100%) trong 3 quý vừa qua - một dấu hiệu cho thấy Lazada vẫn là số một. Chúng tôi rất vui với thành tựu mà công ty đã đạt", trang Tech In Asia dẫn lời ông Pierre Poignant.

Poignant đặt mục tiêu phục vụ 300 triệu khách hàng và tạo ra 20 triệu việc làm vào năm 2030. Nhưng South China Morning Post, trang báo điện tử thuộc chính tập đoàn Alibaba, đánh giá đây là một sự đánh cược táo bạo, ngay cả khi Lazada được xem là "Amazon của Đông Nam Á".