Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế.
Đây cũng là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Theo tìm hiểu của người viết, tỉnh Bắc Ninh có dân số năm 2022 là 1.488.250 người với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm hai thành phố, hai thị xã và 4 huyện với 126 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 52 phường, 4 thị trấn và 70 xã, tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 đạt hơn 60% - nằm trong top đầu các tỉnh phía Bắc.
Theo quy hoạch, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 8% - 9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1,6%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người.
Về phân loại đô thị, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Toàn tỉnh có 12 đô thị gồm một đô thị loại I, một đô thị loại II, 4 đô thị loại III và 6 đô thị loại V. Phát triển huyện Tiên Du và huyện Yên Phong trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh.
Đối với định hướng phát triển một số đô thị trọng tâm, TP Bắc Ninh sẽ trung tâm tổng hợp về hành chính - chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế và thể dục thể thao cấp tỉnh; là đô thị phát triển toàn diện và bền vững về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính.
TP Từ Sơn sẽ là trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và công nghiệp đô thị, du lịch, vui chơi giải trí; TP Yên Phong sẽ là trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, phát triển dịch vụ công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cấp vùng.
TP Tiên Du sẽ trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, trải nghiệm, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ.
TX Quế Võ sẽ là trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ, thể dục thể thao, y tế cấp vùng, phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; TX Thuận Thành sẽ trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh.
Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ hình thành 5 hành lang phát triển, bao gồm hành lang kết nối đô thị - thương mại - dịch vụ dọc QL 1A, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang. Dọc hành lang sẽ phát triển tập trung theo 3 khu vực đô thị hiện hữu là Từ Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh, được giới hạn phát triển bởi các nêm xanh.
Hành lang kết nối dịch vụ - công nghiệp - thương mại dọc QL 18, nối Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ, xây dựng khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ phục vụ cho hoạt động của các khu công nghiệp.
Hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu sẽ bố trí các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị với mật độ thấp, ưu tiên phát triển cây xanh, cảnh quan, mặt nước dọc hành lang các tuyến sông; quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du.
Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc QL 17 nối Quế Võ - Gia Bình - Lương Tài - Thuận Thành.
Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc QL 38 và vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ là hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du và TX Thuận Thành dọc tuyến đường tỉnh 276.
Đối với quy hoạch hệ thống khu công nghiệp, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 25 khu công nghiệp (KCN). Trong đó, có 7 khu công nghiệp được thành lập mới.
7 khu công nghiệp được thành lập mới bao gồm KCN Thuận Thành III - phân khu C (TX Thuận Thành, 200 ha); KCN An Việt - Quế Võ 6 (TX Quế Võ, khoảng 80 ha); KCN Quế Võ mở rộng 2 (TX Quế Võ, quy mô khoảng 200 ha).
KCN Gia Bình 1 (huyện Gia Bình, khoảng 250 ha); KCN Lương Tài 1 (huyện Lương Tài, khoảng 245 ha); KCN Lương Tài 2 (huyện Lương Tài, khoảng 495 ha); KCN - Đô thị và Dịch vụ Lương Tài (huyện Lương Tài, khoảng 665 ha).
Không gian phát triển công nghiệp gồm 4 vùng là thung lũng công nghệ điện tử - huyện Yên Phong; hành lang công nghiệp -TX Quế Võ; KCN mới - TX Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao - huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 4 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 99,7 km, bao gồm cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, tuyến cao tốc này sẽ duy trì tuyến và chiều dài đoạn đi qua địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng đáp ứng tiêu chuẩn 8 làn xe.
Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên sẽ duy trì tuyến và chiều dài đoạn đi qua địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng đáp ứng tiêu chuẩn 6 làn xe.
Cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long (CT 09) sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 13,8 km đi qua địa bàn tỉnh, điểm đầu tại xã Hòa Tiến (huyện Yên Phong, điểm cuối tại cầu Phả Lại (TX Quế Võ); quy hoạch đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe (làn chính), lộ giới 100 m (bao gồm hành lang an toàn và đường gom hai bên).
Đường vành đai 4 (CT 38) đoạn qua tỉnh Bắc Ninh có chiều dài khoảng 25,6 km/102 km toàn tuyến, đi qua các huyện, TX Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và Thành phố Bắc Ninh; quy hoạch đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, lộ giới 100 - 120 m (bao gồm hành lang an toàn và đường gom hai bên). Tỉnh Bắc Ninh đã dành quỹ đất, cơ bản là đất nông nghiệp khoảng 330 ha.
Bên cạnh 4 tuyến cao tốc trên, qua địa bàn tỉnh còn có 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 90,33 km, bao gồm quốc lộ 18 (QL 18) có chiều dài toàn tuyến dài 325 km, điểm đầu tại Đại Phúc (TP. Bắc Ninh), điểm cuối tại cầu Bắc Luân (Quảng Ninh).
Tuyến kết nối các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh. Chiều dài đoạn qua tỉnh khoảng 29,16 km. Quy hoạch đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 - 4 làn xe.
QL 38 có chiều dài toàn tuyến dài 96 km, tuyến đi qua các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam. Chiều dài khoảng qua tỉnh 18,5 km, điểm đầu tại cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh (TP Bắc Ninh), điểm cuối tại xã Nghĩa Đạo (TX Thuận Thành). Quy hoạch đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 - 4 làn xe.
QL 17 có toàn tuyến dài 135 km, đi qua các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Tuyến đi qua các đô thị phía nam của tỉnh, chiều dài khoảng 39,61 km, điểm đầu tại xã Xuân Lâm (TX Thuận Thành), điểm cuối cầu Quế Tân.
Trong giai đoạn quy hoạch cần bổ sung thêm đoạn tuyến Bắc Ninh – Hải Dương. Quy hoạch đến năm 2030 tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.
QL 39 có toàn tuyến dài 124 km, điểm đầu tại giao QL 38, xã Ninh Xá, thị xã Thuận Thành; điểm cuối tại xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành, ranh giới tỉnh Hưng Yên (nối vào QL.5, Phố Nối, Hưng Yên). Chiều dài đoạn qua tỉnh khoảng 3km. Quy hoạch đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2~4 làn xe.
Cùng với đó, tỉnh này cũng quy hoạch xây dựng sân bay mới là sân bay Gia Bình nằm tại huyện Gia Bình, đến năm 2025, sân bay này có quy mô khoảng 245 ha (gồm sân bay trực thăng; sân bay quân sự cấp 3). Đến năm 2030, sân bay có quy mô khoảng 245 ha (gồm sân bay đa năng lưỡng dụng (sử dụng cho chuyên cơ, máy bay chở hàng), dự phòng quốc gia (tương đương cấp 4E)).