Bài học tổng quát nhất cho 2020 là không ai biết được điều gì sẽ xảy ra.
Vào tháng 3, các nhà kinh tế, chính trị gia và nhà đầu tư đã đưa ra nhiều kịch bản về tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, y tế và thị trường chứng khoán, cũng như cách xã hội có thể phản ứng. Dự báo trung bình về chỉ số S&P 500 năm 2020 chỉ là mức tăng khiêm tốn 2,7%. Kết phiên 30/12, chỉ số S&P 500 đạt 3.732 điểm, tương đương mức tăng 15,52% so với đầu năm.
Một số dự đoán về S&P 500 được đưa ra từ cuối năm 2019 còn sát với thực tế hơn so với dự đoán hồi tháng 3/2020. Ngân hàng đầu tư Piper Jaffray dự kiến S&P 500 đạt 3.600 điểm. Fundstrat và BTIG cho rằng S&P 500 có triển vọng kết năm 2020 với 3.450 điểm. Ước tính của Goldman Sachs là 3.400 điểm. UBS và Morgan Stanley đồng tình ở mức 3.000 điểm. Nhưng dĩ nhiên, không một dự báo nào tính đến đại dịch toàn cầu.
Dự báo không phải là lời tiên tri, chúng chỉ là công cụ để sử dụng. Dự báo có thể hữu ích trong trường hợp "nếu mọi việc tiếp tục diễn biến như hiện nay", nhưng khi đại dịch toàn cầu nổ ra, dự báo không còn hữu dụng. Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phải rút lại kế hoạch kinh doanh đưa ra trước đại dịch.
Khi nhìn lại, sự khiêm tốn này có vẻ rất tốt.
Thử tưởng tượng một người có quả cầu tiên tri và thấy rằng nước Mỹ sẽ có hơn 300.000 người chết vì đại dịch và gần 20 triệu ca nhiễm Covid-19 vào cuối năm. Liệu anh ta có kỳ vọng S&P 500 tăng gần 15% sau khi lao dốc 34% không? Có lẽ là không.
Nhưng dĩ nhiên không phải dự đoán nào cũng vô ích. Nhiều người đã dự đoán COVID-19 sẽ lan sang Mỹ và gây ra thiệt hại lớn. Những dự đoán này hữu ích không phải với tư cách thước đo xác suất mà là cảnh báo về hiểm nguy rình rập phía trước.
Hồi tháng 2, khi Phố Wall theo dõi tình hình Covid-19 ở Trung Quốc, hẳn một số người đã cố gắng cảnh báo rằng loại virus mới có thể gây ra tai họa lớn. Nhưng giá chứng khoán vẫn tiếp tục leo đến đỉnh cao mới vào cuối tháng 2, cho thấy phần lớn nhà đầu tư không để tâm đến kịch bản này.
Quá nhiều người nghĩ rằng đại dịch không thể xảy ra, những tưởng một ngoại lệ nào đó sẽ cứu nước Mỹ khỏi loại virus sẽ tấn công hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chính phủ và các nghị sĩ Mỹ không hề phòng bị, công chúng và nhà đầu tư không mường tượng được dịch bệnh sẽ tồi tệ đến mức nào cho đến khi thị trường sụp đổ vào tháng 3.
Không chỉ đại dịch, lịch sử có rất nhiều ví dụ về những sự kiện nằm mơ cũng không thấy lại xuất hiện trong thực tế. Tương lai có thể sẽ nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng điều không tưởng vẫn có thể xảy ra.
Lập ra dự báo là công việc khó khăn và hiểu chúng cũng không hề dễ dàng. Có lẽ thực tế trên được minh họa tốt nhất với ví dụ sau: nếu biết trước diễn biến của đại dịch khiến hơn 340.000 người chết và hơn 22 triệu người thất nghiệp chỉ tính riêng tại Mỹ, hẳn sẽ hiếm có nhà đầu tư nào dám mơ S&P 500 lại lập đỉnh mới như hiện nay.
Các chuyên gia Phố Wall thường nói thị trường là tập hợp của những câu chuyện – dự báo và hy vọng. Đơn giản là như vậy.
Diễn biến điên rồ của thị trường chứng khoán Mỹ năm nay đã chứng minh cho sự hiệu quả của một ý tưởng đầu tư: bình quân giá theo thời gian. Theo chiến lược này, nhà đầu tư sẽ rót một số tiền đều nhau vào cổ phiếu (hay các loại chứng khoán khác) theo định kỳ, chẳng hạn mỗi tháng bỏ ra 1.000 USD để mua thêm cổ phiếu.
Việc mua vào đều đặn để trung hòa biến động thất thường của thị trường đã mang lại phần thưởng cho những nhà đầu tư không cố mua đáy bán đỉnh.
Cuối tháng 3, chứng khoán Mỹ lên và xuống trên 5% rất nhiều lần, tạo ra cơ hội hấp dẫn để một số người mua cổ phiếu sau nhịp giảm giá. Dĩ nhiên họ không biết chính xác đáy là ở đâu hay thậm chí liệu thị trường có chạm đáy sau vài tuần không. Rốt cuộc một lượng lớn tiền vẫn nằm ngoài thị trường cổ phiếu.
Trong khi đó, những người tuân theo chiến lược trung bình giá tiếp tục mua cổ phiếu đều đặn suốt hai quý đầu năm và giờ hẳn đã có lợi nhuận khá tốt. Chứng khoán Mỹ cuối năm liên tục lập đỉnh mới.
Đối với những người không để nhiều tiền vào tài sản rủi ro thấp, tái cân bằng danh mục là chiến lược tốt. Khi thị trường lao dốc, tỷ trọng danh mục đầu tư cũng biến đổi. Nếu nhà đầu tư muốn cơ cấu danh mục đầu tư là 75% cổ phiếu và 25% tài sản an toàn nhưng giá chứng khoán sụt 30%, lúc này cổ phiếu chỉ chiếm 68% danh mục của anh ta, thấp hơn nhiều mục tiêu ban đầu.
Việc tái cân bằng danh mục sau cú sụp đổ của thị trường vào tháng 3 sẽ buộc nhà đầu tư phải mua thêm cổ phiếu để đạt tỷ trọng 75% và nhờ vậy sẽ có lợi nhuận tốt hơn vào cuối năm.
Theo Yahoo Finance, một ý kiến nhận được nhiều tán đồng trên Phố Wall (và cả những người ngoài cuộc) là thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng điểm trong dài hạn.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett tin rằng giá cổ phiếu luôn biến động thất thường trong ngắn hạn nhưng chắc chắn sẽ tăng trong dài hạn nên ông thường nắm giữ cổ phiếu hàng chục năm trời chứ không tìm cách lướt sóng.
Trong một thập kỷ bất kì, chỉ duy nhất một lần S&P 500 có lợi suất âm, đó là 10 năm kết thúc vào tháng 2/2009.
Khi chứng khoán Mỹ sụp đổ vào cuối tháng 3, mọi người không chỉ tiếp tục xuống tiền theo định kỳ mà nhiều nhà đầu tư dài hạn còn quyết định tăng sở hữu, hay nói cách khác là mua cổ phiếu sau nhịp giảm giá mạnh.
Theo Fidelity và Vanguard, nhà đầu tư dài hạn không hề run sợ, thậm chí nhiều người còn chớp lấy thời cơ giá cổ phiếu rẻ. Có lẽ những nhà đầu tư này không kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi và lên đỉnh sớm đến vậy, nhưng vẫn tin tưởng điều này sẽ xảy ra trong vài năm tiếp theo. Nhưng dù sao, niềm tin của những con người dũng cảm cũng đã được đền đáp.