Đóng cửa phiên giao dịch 31/12, VN-Index ở 1.103,87 điểm, tăng 14,87% so với cuối năm 2019. Năm nay chỉ số nhào lộn "lên đỉnh, xuống đáy" trong trong một khoảng thời gian ngắn.
Cụ thể, Sau khi giảm sâu và tạo đáy trong quý I, thị trường hồi phục và tăng điểm mạnh trong những tháng cuối năm. VN-Index liên tục tăng điểm, vượt mốc 1.100 điểm.
Ghi nhận trong năm, VN-Index đóng cửa thấp nhất tại 659,21 điểm phiên 24/3. Thị trường giảm điểm mạnh nhất phiên 23/3 khi VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%). Trái lại, phiên giao dịch 6/4 tăng điểm mạnh nhất khi VN-Index tăng gần 35 điểm, tương đương tỷ lệ gần 5%.
Các mã tác động tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index năm nay có HPG, GVR, CTG, MSN. Bốn cổ phiếu này giúp VN-Index tăng hơn 10 điểm. Chỉ riêng hai mã HPG và GVR giúp VN-Index tăng gần 20 điểm. Những cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số còn có VNM, VCB, VPB, TCB, VHM và MBB. Như vậy, cổ phiếu nhóm ngân hàng tác động tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index trong năm 2020.
Chiều ngược lại, VIC, SAB, VJC, ROS, GAS là 5 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Các mã trên kéo VN-Index giảm hơn 2 điểm. Những mã giảm sâu kéo chỉ số sụt giảm còn có HVN, VRE, TCH, PGD, BVH.
Trạng thái tích cực hơn, HNX-Index tăng 98,15% so với thời điểm đầu năm, đóng cửa ở 203,12 điểm. Phiên giao dịch ngày 30/3, HNX-Index tạo đáy ở 93,28 điểm. Đà tăng điểm của HNX-Index năm nay đóng góp từ cổ phiếu THD của Thaiholdings. Diễn biến cùng chiều, UPCoM-Index cũng tăng 31,63% so với đầu năm, đóng cửa ở 74,45 điểm.
Trong quý đầu năm, nhà đầu tư bị tra tấn khi tài sản bốc hơi. Đỉnh điểm trong phiên giao dịch ngày 23/3, toàn thị trường chứng kiến 675 mã giảm giá, trong đó số mã giảm sàn lên tới 310. Riêng nhóm VN30 ghi nhận 27 mã giảm sàn và không còn dư mua.
Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 23.000 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu. tương đương gần 1 tỷ USD. Trên toàn thị trường, giá trị rút ròng hơn 19.000 tỷ đồng.
Trong 10 năm trở lại đây, khối ngoại chỉ rút ròng trong hai năm 2016 và 2020. Giá trị bán ròng trên thị trường cổ phiếu trong năm nay vượt 1 tỷ USD, gấp 3 lần giá trị của năm 2016.
Các cổ phiếu bị rút ròng mạnh nhất trong năm nay có MSN, HPG, VIC, DIG, HDB. Các mã bị xả trên 1.000 tỷ đồng còn có VNM, VRE, POW và CII. Chiều ngược lại thì VHM, PLX và PGD được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng.
Với một năm giao dịch tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, người dân ồ ạt mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Thuật ngữ "nhà đầu tư F0" xuất hiện, ám chỉ những nhà đầu tư mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán.
Tháng 11 ghi nhận NĐT cá nhân trong nước ghi nhận số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cao kỉ lục, đạt 41.080 tài khoản mở mới.
Tính đến 30/11, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán là 2.707.780 tài khoản, tăng 332.886 tài khoản so với thời điểm đầu năm.
Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019.
Trong tháng 12, thị trường liên tục chứng kiến các phiên giao dịch với giá trị giao dịch trên 10.000 tỷ đồng. Cập nhật tại ngày 30/12, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trong tháng 12 trên sàn HOSE đạt 11.251 tỷ đồng.
Phiên giao dịch ngày 23/12 ghi nhận kỷ lục giao dịch kỷ lục với hơn 1,05 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 17.950 tỷ đồng. Phiên giao dịch 18/5 có giá trị giao dịch cao nhất nhờ giao dịch thỏa thuận hơn 30.700 tỷ đồng cổ phiếu VHM.
Tính đến cuối năm 2020, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương 225,9 tỷ USD. Theo đó, quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam tăng gần 38 tỷ USD so với cuối năm 2020. Giá trị vốn hóa của cả hai sàn (HOSE, HNX) và thị trường UPCoM đều tăng so với cuối năm 2019.
Trong tháng 3, thị trường liên tục chứng khiến các phiên giao dịch bốc hơn trên 5 tỷ USD vốn hóa. Phiên 9/3, vốn hóa sàn HOSE giảm hơn 8,2 tỷ USD. Các phiên ghi nhận vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 5 tỷ USD còn có 30/3, 23/3 và 12/3.
Khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh năm 2020 đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với cả năm 2019.
Kỷ lục trên thị trường chứng khoán phái sinh được ghi nhận trong năm 2020 đó là KLGD đạt mức cao nhất 356.033 hợp đồng vào ngày 29/7 và OI cao nhất lên tới 52.767 hợp đồng vào ngày 10/11.