Khối ngoại rút ròng tỷ đô trong năm 2020 thăng hoa của chứng khoán Việt Nam

Thống kê giao dịch trên thị trường cổ phiếu, khối ngoại rút ròng gần 24.000 tỷ đồng trong năm 2020. Nếu không tính thương vụ mua cổ phiếu VHM, giá trị rút ròng rút ròng của khối ngoại còn lên đến gần 39.400 tỷ đồng (1,7 tỷ USD).

Thị trường chứng khoán Việt Nam bị rút ròng kỷ lục trong năm 2020

Mở đầu năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thông tin tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài vào ròng gần 2.000 tỷ đồng trong tháng 1. Lực cầu từ khối ngoại góp phần thúc đẩy thị trường tăng điểm.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng tại hàng loạt thị trường cận biên. Thị trường Việt Nam không là ngoại lệ.

Sau nhiều năm mua ròng liên tiếp, khối ngoại trở lại bán ròng với giá trị hơn 19.300 tỷ đồng trên toàn thị trường. Năm nay đánh dấu việc rút ròng kỷ lục của nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại rút ròng tỷ đô trong năm 2020 thăng hoa của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Theo tổng hợp của người viết trong 10 năm trở lại đây, khối ngoại chỉ rút ròng trong hai năm 2016 và 2020. Giá trị bán ròng trên thị trường cổ phiếu trong năm nay khoảng 23.220 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), gấp 3 lần giá trị của năm 2016.

Nếu không tính đến thương vụ mua vào gần 15.900 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes hồi tháng 6, giá trị rút ròng của khối ngoại còn lên đến gần 39.100 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam trong năm 2020 (tương đương 1,6 tỷ USD).

So sánh với các thị trường khác trong khu vực, giá trị rút ròng của khối ngoại trên TTCK Viejt Nam vẫn đang thấp hơn. Theo đó, thị trường Thái Lan bị bán ròng hơn 8,1 tỷ USD năm nay, theo sau là Philippines (2,4 tỷ USD), Indonesia (3,1 tỷ USD), Malaysia (5,8 tỷ USD). Thậm chí, thị trường chứng khoán Hàn Quốc còn bị rút ròng hơn 20 tỷ USD. Do đó, Việt Nam vẫn được xem như tích cực hơn các thị trường khác.

Thêm vào đó, nếu xét trên dài hạn (2011 – 2020), dòng vốn ngoại vẫn rót khoảng 70.800 tỷ đồng vào TTCK Việt Nam (tương đương hơn 3 tỷ USD).

Hơn nữa, mặc dù bán ròng trên thị trường cổ phiếu, dòng vốn ngoại lại tích cực với giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội. Trong năm nay, khối ngoại tích cực mua ròng chứng chỉ quỹ ETF nội, tâm điểm là VFMVN Diamond ETF và ETF SSIAM VNFin Lead. Tổng giá trị mua ròng chứng chỉ ETF nội là hơn 4.400 tỷ đồng. Hoạt động mua vào chứng chỉ ETF nội diễn ra liên tục từ tháng 5.

Khối ngoại rút ròng nghìn tỷ đồng trên cả ba sàn

Thống kê trên từng sàn, khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với gần 15.740 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch cổ phiếu, khối ngoại rút ròng gần 19.650 tỷ đồng trên sàn này.

Diễn biến tương tự, dòng vốn ngoại rút ròng 2.456 tỷ đồng trên sàn HNX trong 12 tháng qua. Tích cực hơn, thị trường UPCoM chỉ ghi nhận giá trị bán ròng 1.114 tỷ đồng.

Khối ngoại rút ròng tỷ đô trong năm 2020 thăng hoa của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Giảm rút ròng 2 tháng cuối năm, khối ngoại sẽ trở lại

Thống kê giao dịch theo từng tháng, ngoài mua ròng trong tháng 1, 6 và 9, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng trong các tháng còn lại của năm. Đỉnh điểm, khối ngoại rút ròng 8.948 tỷ đồng khỏi thị trường trong tháng 3.

Trong tháng 6, khối ngoại mua ròng đột biến với giá trị 14.170 tỷ đồng trên sàn HOSE nhờ hàng loạt thương vụ lớn như VHM (15.870 tỷ đồng), PLX (298 tỷ đồng), KDC (221 tỷ đồng), CTG (186 tỷ đồng) và NVL (114 tỷ đồng).

Trong 3 tháng cuối năm, giá trị rút ròng của khối ngoại lại có xu hướng giảm giảm. Trong tháng 10, khối này rút ròng 7.729 tỷ đồng, giảm xuống còn 3.336 tỷ đồng tháng 11 và 2.626 tỷ đồng trong tháng 12.

Với diễn biến tích cực của dòng vốn ngoại trong những tháng cuối năm, nhiều công ty chứng khoán quỹ đầu tư kỳ vọng khối ngoại mua ròng trở lại trong năm 2021.

Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt, giao dịch của khối ngoại có thể tích cực hơn trong năm sau khi dòng tiền chảy vào các ETF nội, Việt Nam được nâng dần tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier, nút thắt "room" ngoại được giải tỏa và nền tảng vĩ mô ổn định hơn.

Còn theo SSI Research đánh giá nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm sau.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.