Theo báo cáo của ADB công bố hôm nay 15/9, tổng sản phẩm (GDP) khu vực Châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1962, kinh tế Châu Á tăng trưởng âm, Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng của ADB nói.
"Tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 vẫn lớn khi các đợt bùng phát mới có thể khiến các quốc gia buộc phải tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa dịch bệnh", ông Sawada nhận định. "Suy thoái ở các nước đang phát triển ở Châu Á trầm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trước đó, với 3/4 nền kinh tế trong khu vực có xu hướng sụt giảm trong năm nay".
Theo ADB, Trung Quốc sẽ đi ngược xu hướng này, dự kiến tăng trưởng khoảng 1,8% trong năm nay và 7,7 % trong năm 2021 nhờ các biện pháp y tế công cộng hiệu quả tạo bàn đạp cho tăng trưởng.
Ấn Độ, nơi các biện pháp phong tỏa, hạn chế khiến tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp đình trệ, được dự báo GDP sẽ giảm 9% trong cả tài khóa 2020 trước khi hồi phục 8% trong tài khóa 2021.
Philippines và Thái Lan cũng bị sụt giảm nghiêm trọng, được dự đoán giảm lần lượt 7,3% và 8%.
Tăng trưởng khu vực Châu Á đang phát triển (không bao gồm các nước Nhật Bản, Australia và New Zealand) sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% vào năm 2021, một phần là vì chỉ số tăng trưởng của năm 2021 sẽ được tính toán dựa trên những số liệu khá thấp của năm 2020.
Báo cáo mới của ADB cũng cho rằng dịch Covid-19 kéo dài vẫn là nguy cơ lớn nhất đe dọa triển vọng tăng trưởng khu vực trong năm nay và năm sau. Các vấn đề khác như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay những bất ổn tài chính trong bối cảnh đại dịch cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Theo Yasuyuki Sawada - nhà kinh tế trưởng của ADB, chính phủ các nước cần có những biện pháp nhất quán, rõ ràng để ứng phó với đại dịch. Các chính sách cần ưu tiên bảo vệ cuộc sống và điều kiện sống cho người dân, đảm bảo người lao động trở lại làm việc và các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn. Đây đều sẽ là những điều kiện thiết yếu để đảm bảo kinh tế khu vực sẽ dần hồi phục một cách toàn diện và bền vững.