Theo báo cáo giám sát trái phiếu Châu Á mới công bố bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tính đến cuối tháng 9, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại khu vực Đông Á mới nổi đạt giá trị khoảng 18.647 tỉ USD, tăng 4,8% so với cuối quí II và tăng 17,4% so với cùng kì năm ngoái.
Theo báo cáo, khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng thị trường trái phiếu hàng quí bằng đồng nội tệ Việt Nam đạt cao nhất trong khu vực Đông Á mới nổi với mức 11,6%. So với cùng kì năm trước, mức tăng trưởng đạt 17%. Tổng giá trị thị trường tính đến cuối quí III đạt khoảng 65 tỉ USD.
Điều này ghi nhận nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến 30/9, thị trường này đạt khoảng 11 tỉ USD, tăng khoảng 27% so với cuối tháng 6 và tăng khoảng 129% so với cùng kì năm trước.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu chính phủ đạt 55 tỉ USD, chiếm 83,8% tổng lượng trái phiếu của cả nước. Con số này đã tăng so với quí II và cùng kì 2019 lần lượt là 9,1% và 6,9%.
Xét về qui mô, Trung Quốc là thị trường trái phiếu lớn nhất khu vực với giá trị thị trường khoảng 14.457 tỉ USD, chiếm hơn 61%. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với 2.224 tỉ USD, chiếm khoảng 12%.
Về loại trái phiếu, trái phiếu chính phủ vẫn chiếm tỉ trọng chi phối trong thị trường trái phiếu khu vực với 11.484 tỉ USD, trái phiếu doanh nghiệp đạt 7.173 tỉ USD.
Theo đánh giá của chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, tình hình tài chính ở các nước Đông Á mới nổi đã được cải thiện từ cuối tháng 8, sự phục hồi được ghi nhận ở các nền kinh tế tiên tiến lớn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh gần đây số ca bệnh do Covid-19 bắt đầu tăng đột biến ở các nền kinh tế tiên tiến, khiến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu không còn chắc chắn.
"Covid-19 vẫn là rủi ro tiêu cực lớn nhất đối với thị trường Đông Á mới nổi và triển vọng toàn cầu. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng là một nguy cơ khác, bên cạnh rủi ro bất ổn chính trị và xã hội trong nước ở một số nền kinh tế", theo ông ông Yasuyuki.