Ai đứng đầu thị trường fitness ở Việt Nam?

Sự phát triển của kinh tế Việt Nam kéo theo tỉ lệ dân số mắc béo phì và các bệnh liên quan gia tăng khiến ngành dịch vụ thể dục triệu USD trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ngoại và cả doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các đơn vị vận hành các chuỗi fitness trong nước chật vật vẫn chưa có lãi, thậm chí tại các tên tuổi đầu ngành.

Các chuỗi fitness làm ăn ra sao trước COVID-19?

Trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thương hiệu fitness "ăn nên làm ra" nhất thị trường Việt Nam là Elite Fitness với doanh thu năm 2019 gần 469 tỉ đồng và lãi ròng 2,3 tỉ đồng. 

Trong khi đó, đối trọng của hãng này - California Fitness & Yoga ghi nhận doanh thu năm 2019 là 162 tỉ đồng và ôm khoản lỗ 38 tỉ đồng.

Đây cũng là hai hãng fitness thuộc phân khúc cao cấp trên thị trường Việt Nam hiện nay với phí tập luyện giao động từ 900.000 đồng – 1,2 triệu đồng/tháng cho các gói tập cơ bản. Với những gói tập cao cấp hơn sẽ có giá cao hơn đáng kể.

Thị trường fitness trước COVID-19: California ôm lỗ ròng hàng năm, Elite Fitness dẫn đầu doanh số - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

California Fitness & Yoga là một trong những hãng fitness của nước ngoài có qui mô lớn đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Chuỗi phòng tập của California Fitness quản lí bởi Công ty TNHH Trung Tâm Thể Dục Thể Hình & Yoga California. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 20 tỉ đồng.

Đây là đơn vị thành viên của California Management Group Asian – tập đoàn đang phát triển hơn 100 đơn vị và thương hiệu kinh doanh cá thể trên khắp Việt Nam và Đông Nam Á với giá trị doanh nghiệp trên 250 triệu USD.

Tính đến cuối năm 2019, qui mô tài sản của đơn vị quản lí California Fitness & Yoga vượt 410 tỉ đồng với 33 phòng tập trên cả nước, trong đó 16 phòng tập tại TP HCM và 11 phòng tập tại Hà Nội. Hãng này hiện đang dẫn đầu về số lượng phòng tập tại Việt Nam.

Theo nguồn tin của chúng tôi, trong giai đoạn 2016 – 2019, chuỗi phòng tập này liên tục thua lỗ dù doanh thu vẫn giữ mức khá so với các hãng khác trong ngành. Việc thua lỗ trong nhiều năm đã khiến vốn chủ sở hữu doanh nghiệp âm gần 477 tỉ đồng vào cuối năm 2019.

Thị trường fitness trước COVID-19: California ôm lỗ ròng hàng năm, Elite Fitness dẫn đầu doanh số - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Được đặt lên bàn cân với California Fitness & Yoga là "đàn em" Elite Fitness. Theo đó, dù thành lập sau California Fitness & Yoga 4 năm nhưng Elite Fitness lại nhanh chóng bứt phá và ganh đua vị trí dẫn đầu ngành fitness với các đối thủ khác.

Trái ngược với doanh thu đi lùi của California Fitness & Yoga giai đoạn 2018 - 2019, chuỗi Elite Fitness ghi nhận doanh thu liên tục tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019, từ 290 tỉ đồng năm 2016 lên 469 tỉ đồng năm 2019.

Cùng với đó, lãi gộp của Elite Fitness cũng tăng từ 79 tỉ đồng năm 2015 lên 121 tỉ đồng năm 2019. Tuy nhiên lãi ròng của chuỗi phòng tập này lại lao dốc mạnh sau năm 2016 và con số lợi nhuận năm 2017 và 2018 chỉ loanh quanh trên dưới 1 tỉ đồng. Tới năm 2019, con số lãi sau thuế cải thiện lên mức 2,3 tỉ đồng.

Ai đứng đầu thị trường fitness ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Ai đứng đầu thị trường fitness ở Việt Nam? - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của CTCP Lifestyle - đơn vị quản lí chuỗi phòng tập Elite Fitness qua các năm. (Nguồn: Thu Thuỷ tổng hợp)

CTCP Lifestyle là đơn vị quản lí chuỗi phòng tập Elite Fitness với vốn điều lệ 150 tỉ đồng. 96,67% trong đó thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group). Nói thêm, BIM Group là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1994 bởi Ông Đoàn Quốc Việt.

Ngoài ra, con trai ông Việt là ông Đoàn Quốc Huy - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của BIM Group cùng bà Khổng Thị Hiền – Phó Tổng giám đốc BIM Group đang sở hữu 1,67% vốn điều lệ mỗi người.

Liên quan đến Elite Fitness, mới đây, tài khoản Twitter Elliot Alderson đã chia sẻ rằng hệ thống trung tâm thể dục Elite Fitness đã bị lộ trên dưới 500.000 thông tin người dùng do các nhóm hacker ẩn danh.

Theo đó, các thông tin bị rò rỉ bao gồm email, tên, ngày sinh, nơi ở, mã số thẻ thành viên, mã khách hàng cùng với đó là số điện thoại. Không dừng lại ở đây, các thông tin liên quan đến sức khoẻ cũng như dữ liệu vân tay cũng có trong cơ sở dữ liệu rò rỉ.

Trở lại tình hình kinh doanh của các nhóm fitness khác trên thị trường Việt Nam, hai hãng có số lượng phòng tập tương đối lớn như City Gym và Fit24 lần lượt ghi nhận doanh thu năm 2019 đạt 98 tỉ đồng và 41 tỉ đồng.

Với City Gym, doanh nghiệp này mới thành lập từ đầu năm 2018 nhưng sang năm 2019 đã đạt mức tăng trưởng doanh thu gấp 8 lần năm trước. Tuy nhiên, City Gym cũng là hãng đang ôm mức lỗ lớn nhất trong nhóm các hãng fitness trên với 63,3 tỉ đồng.

Năm 2019, "tân binh" Unifit có mức doanh thu chỉ đạt 6,4 tỉ đồng và đang lỗ ròng 16,7 tỉ đồng. 

Ngoài ra, một đơn vị khác là Getfit Gym & Yoga dù thành lập cùng năm với California Fitness & Yoga nhưng qui mô doanh thu hay tài sản chỉ tương đương, thậm chí dưới những hãng đi sau như Citi Gym và Unifit.

Thị trường fitness triệu USD được dự báo còn tăng trưởng trong tương lai

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đi cùng với sự gia tăng của các chuỗi thức ăn nhanh và suy giảm hoạt động thể chất khiến tỉ lệ dân số mắc bệnh béo phì tại Việt Nam tăng nhanh. Theo Ken Research, tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CARG) 8,4% trong giai đoạn 2013 - 2018 và dự báo đạt 3,6% vào năm 2023.

Thực tế cho thấy người dân đang ngày càng nâng cao nhận thức về thể dục, cùng với đó, thu nhập tăng và sự mở rộng của các trung tâm dịch vụ thể dục có tổ chức.

Những yếu tố này thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan đến thể dục thể thao nói chung và ngành fitness nói riêng.

Theo thống kê của Statista, cuối năm 2017, số lượng câu lạc bộ sức khỏe và thể hình ở Việt Nam đã đạt 640 câu lạc bộ, vượt qua Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hồng Kông.

Statista đã tiến hành một cuộc khảo sát theo giới tính ở các công dân thành thị vào năm 2017, khoảng 80% nam và 73% nữ đi đến các phòng tập thể dục, chủ yếu là để tăng cơ và xả stress. Đồng thời, phí đăng kí phòng tập trung bình hàng tháng của mỗi người vào khoảng 300.000 đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, dân số thành thị cả nước năm 2017 chiếm 35,1% tổng dân số, đạt 32,9 triệu người. Với cơ cấu dân số nam – nữ tương ứng 49,3% - 50,7%, ước tính qui mô doanh thu của ngành fitness từ năm 2017 đã đạt gần 7.550 tỉ đồng.

Ken Research dự kiến thị trường dịch vụ thể dục tại Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 19,5% về doanh thu trong giai đoạn 2018 - 2023.

Phía Statista cũng cho rằng thị trường fitness sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai kéo theo các thị trường liên quan. Đơn cử, giá trị thị trường dinh dưỡng thể thao được dự đoán đạt trên 1 tỉ USD vào năm 2020 trong khi giá trị sản xuất quần áo thể thao dự kiến đạt gần 3 tỉ USD vào năm 2021.

Hơn nữa, các thương hiệu thiết bị thể thao quốc tế lớn như Decathlon (Pháp) và thương hiệu Nhật Bản Mizuno đã gia nhập thị trường Việt Nam trước nhận thức về sự quan tâm đến sức khỏe và thể dục ngày càng tăng.

chọn
Hình ảnh đường song hành Vành đai 4 dần thành hình đoạn qua Vinhomes Đan Phượng
Đường song hành Vành đai 4 – vùng Thủ đô đi qua huyện Đan Phượng với chiều dài 6 km, nhiều đoạn đã thảm nhựa, trong đó có đoạn đầu cầu Hồng Hà.