Việc ném máy múc tiền tỉ xuống đoạn đê sông Cầu Chày (Thanh Hoá) bị vỡ sáng 12.10 gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thông tin khác nhau. Vậy ai là người ra quyết định này?
3h sáng 12.10, tại tuyến đê sông Cầu Chày, thuộc địa bàn xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân bất ngờ rạn nứt và vỡ. Ban đầu chỉ vài mét, sau đó nhanh chóng mở rộng, nước chảy ầm ầm vào trong đê, uy hiếp tính mạng, tài sản của hàng nghìn người dân 6 xã.
Hơn 400 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, công an cùng hàng trăm người dân nỗ lực hàn vá đê. |
Theo ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, khi đó, huyện đã huy động xe ôtô đổ đất, đá, cọc tre, luồng, rọ sắt tìm cách ngăn chặn dòng nước lũ. Tuy nhiên, do dòng nước chảy xiết, cọc tre, đất đá đổ xuống đều bị dòng nước dữ cuốn phăng.
Ông Hải báo cáo sự việc lên ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá. Khi đó, ông Quyền đang trên đường lên hiện trường.
Ông Quyền cho hay, “vào khoảng 3h sáng, nhận được tin, tôi tức tốc lên đường. Trên đường đi, nghe báo cáo sự việc, tôi dự đoán tình hình rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của hàng chục nghìn hộ dân. Khi đó, tôi nói với lãnh đạo huyện cần khẩn trương chuẩn bị một tàu chở đầy đá hộc để đánh đắm ngang chỗ đê vỡ”.
Thời điểm đó, xung quanh khu vực không có con tàu hút cát nào. “Tình thế rất nguy cấp, chậm khắc phục giờ nào là hàng nghìn hộ dân nguy hiểm giờ đó. Rất nhanh chóng, tôi bàn với lãnh đạo huyện và Cty Miền Tây - đơn vị đang thi công gần đó - đẩy ngay một máy múc hoặc 1 ôtô tải cỡ lớn chất đầy đá vào. Do có gầu dài cắm xuống trước vị trí đê bị thủng nên tôi quyết định đẩy 1 máy múc vào vá vết thủng của đê” - ông Quyền cho hay.
Chiếc máy múc tiền tỉ được đánh chìm ngăn dòng nước lũ. |
Theo ông Quyền, trong sự việc này, rất hoan nghênh tinh thần hy sinh của ông Ninh Quang Vinh - GĐ Cty Miền Tây - nhanh chóng quyết định đẩy tài sản của Cty xuống nước cứu đê.
Trao đổi với báo chí, ông Ninh Quang Vinh chia sẻ: “Lúc đó, tình thế rất nguy cấp, trong đầu tôi chỉ nghĩ, bằng mọi giá phải vá cho bằng được chỗ thủng của đê nhằm tránh một thảm họa đáng tiếc có thể xảy ra, kể cả 2 hoặc 3 cái máy múc, ô tô tôi cũng sẵn sàng bỏ ra để vá đê”.
Sau khi đẩy máy múc xuống đoạn đê vỡ, một chiếc máy múc khác có nhiệm vụ đánh chìm, nhấn sâu máy múc cắm xuống bùn nằm ngang chỗ đê vỡ. Sau đó, hàng trăm tấn đất, đá được đóng vào bao tải, rọ sắt thả xuống.
Theo ông Nguyễn Đức Quyền, sắp tới, tỉnh sẽ tặng thưởng cho các lực lượng tham gia cứu đê, trong đó có Cty Miền Tây, Cty Tiến Đạt đã có những đóng góp vô cùng to lớn nhằm ngăn chặn kịp thời một thảm họa sắp sửa xảy ra.