Alibaba và Tencent nhận án phạt tại Trung Quốc

Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc cho biết, cả Tencent, Alibaba và SF Express đã không thông báo cho chính quyền về các thương vụ mua bán, sáp nhập này theo luật Chống độc quyền đã ban hành.

Tờ Nikkei Asia đưa tin, một cơ quan quản lý tại Trung Quốc đã công bố các khoản tiền phạt và điều tra liên quan tới một loạt các thương vụ của Alibaba Group Holding và Tencent Holdings, trong bối cảnh Bắc Kinh đang có những động thái nhằm hạn chế sức mạnh của những gã khổng lồ công nghệ này.

Cụ thể, cơ quan quản lý thị trường nhà nước đang điều tra thương vụ sáp nhập Huya Inc và DouYu International do Tencent hậu thuẫn. Đây là hai nền tảng phát trực tuyến trò chơi trực tuyến tại Trung Quốc.

Theo một báo cáo ngành năm 2020 của iResearch, hai nền tảng này hiện kiểm soát hơn 80% thị trường phát trò chơi trực tuyến của Trung Quốc.

Tháng 10 năm nay, hai công ty này đã đi đến một thoả thuận hợp nhất mà theo thông báo từ cơ quan quản lý là dường như đã có sự trung gian từ phía Tencent. Hiện Tencent đang là cổ đông lớn ở cả hai doanh nghiệp này.

Cơ quan quản lý cũng phạt Tencent 500.000 nhân dân tệ vì đã không xin phép khi công ty con  China Literature của họ mua lại công ty giải trí và truyền thông Trung Quốc New Classics Media vào năm 2018.

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cũng bị phạt số tiền tương tự do liên quan đến các khoản đầu tư vào Intime Retail, một chuỗi các cửa hàng bách hoá, trong giai đoạn 2014 - 2018.

Công ty dịch vụ logistics SF Express cũng bị phạt số tiền tương tự liên quan đến việc thâu tóm đối thủ trong lĩnh vực kinh doanh tủ gửi đồ tự phục vụ.

Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc cho biết, cả Tencent, Alibaba và SF Express đã không thông báo cho chính quyền về các thương vụ mua bán, sáp nhập này theo luật Chống độc quyền đã ban hành.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc trừng phạt các công ty công nghệ lớn vì lý do chống độc quyền.

"Mặc dù số tiền phạt không lớn, song ba trường hợp này là ví dụ cụ thể nhất mà Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu tới các công ty công nghệ và mạng xã hội, liên quan đến các hành vi chống độc quyền", cơ quan quản lý cho hay.

Tháng trước, cơ quan quản lý đã công bố dự thảo hướng dẫn nhằm kiềm chế các hành vi đi ngược lại với cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp công nghệ.

Đơn cử như các hành vi bán hàng hoá dưới giá thành, phân biệt giá dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng, và các thoả thuận bán hàng độc quyền cũng sẽ vi phạm các quy định được đề xuất trong dự thảo này.

Scott Yu - một luật sư chuyên về các vấn đề chống độc quyền tại một công ty luật Zhonglun ở Bắc Kinh cho hay, trước đây các công ty công nghệ có thể thực hiện bất kỳ điều gì để có thể mua lại đối thủ nhằm tăng sức mạnh độc quyền cho họ.

Cơ quan quản lý thị trường phần lớn đã làm ngơ trước những giao dịch như vậy để hỗ trợ sự phát triển liên tục của nền kinh tế số. Tuy nhiên, bây giờ họ muốn tất cả những giao dịch mua bán như vậy phải được báo cáo chính quyền và thông qua.

Luật sư Yu cảnh báo rằng, các công ty có thể sẽ phải sớm đối mặt với mức phạt cao hơn nhiều khi các nhà lập pháp đang sửa đổi luật chống độc quyền.

"Nếu bộ luật sửa đổi được thông qua vào năm tới, mức phạt tối đa có thể được nâng lên thành 10% doanh thu của công ty", Yu cho biết thêm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.