'Ăn chực nằm chờ' học bùa chú

Để học được cách làm hơn 100 loại bùa chú của người Thái đen, bà Lương Thị Đại đã phải mất hơn 50 năm tích cóp, sưu tầm với những tháng trời ròng rã, lặn lội đi đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh.

Bà vẫn còn nhớ như in những lần đi bộ xuyên rừng chân tứa máu, có những đêm lạnh lẽo ngủ nhờ ngoài lán của nhà dân và có cả những tháng trời “ăn chực nằm chờ” để xin bằng được những cuốn sách mo, sách cổ, những cách dạy làm bùa chú ... có niên đại hàng trăm năm được chủ nhà cất giữ như vật gia bảo.

Viết sách “dạy” làm bùa

Năm 2010, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã chọn công trình nghiên cứu “Các hình thức ma thuật, bùa chú của người Thái đen ở Điện Biên” của Lương Thị Đại để xuất bản phục vụ dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa- văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt. Cuốn sách dày gần 250 trang được tác giả chắt lọc từ những tư liệu đã sưu tầm suốt hơn 50 năm qua.

Bà Đại cho biết, do sống trong điều kiện kinh tế thuần nông còn nhiều lạc hậu lại ở một vùng thiên nhiên có nhiều ưu đãi nhưng cũng đầy bất trắc nên dân tộc Thái ở Điện Biên còn bảo lưu khá nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian. Đó có thể là việc thờ cúng nơi rừng thiêng mà người Thái gọi là “xên mường”, “xên bản”… hoặc có thể là thờ cúng ma nhà, bói toán… mà họ sử dụng các hình thức ma thuật, bùa chú để giải tỏa tâm linh, cởi thoát những uẩn khúc trong đời sống thường ngày.

Cuốn sách của nghệ nhân Lương Thị Đại ghi lại chi tiết cách thức thực hiện 125 bài bùa chú của người Thái đen Điện Biên. Để có được những tư liệu này, bà Đại đã phải tham gia trực tiếp các buổi lễ làm bùa của các ông (bà) mo, thậm chí, có lễ phải tham gia nhiều lần thì mới nắm chi tiết và chính xác các câu niệm chú.

Các hình thức ma thuật của người Thái đen khá độc đáo và đặc sắc, đặc biệt là các bài bùa chú không phổ biến và không trao tặng cho ai. Bởi vậy, không phải thầy mo nào cũng dễ dàng chia sẻ những thông tin, bí mật gia truyền của mình. Có người, bà Đại phải qua lại thăm hỏi, chuyện trò thân thiết gần nửa năm trời mới đủ độ tin cậy và gần gũi để mở lòng. Sau đó, họ xem bà như người nhà, bất cứ lễ gì cũng gọi bà đến.

Mặc dù cuốn sách đã hướng dẫn chi tiết cách thức để “luyện” bùa, nhưng bà Đại cho biết: Không phải ai cũng có thể làm được bùa và không phải thầy mo nào cũng làm được phép thiêng bùa mạnh. Muốn học bùa và truyền bùa, ngay cả con cháu trong gia đình cũng phải lựa chọn những người tin cậy nhất, người không nóng tính, biết giữ kín, không thích khoe khoang… mới truyền cho và chỉ truyền cho một người. Cách truyền bùa chủ yếu là truyền miệng ngoài trời. Bài bùa chú thường ngắn gọn, nín thở thuyết trình, lẩm bẩm trong miệng một hơi là hết bài.

Thấy bà viết sách dạy làm bùa, nhiều người đến tận nhà để xin “thỉnh” bùa nhưng bà Đại rạch ròi rằng bà chỉ có đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của người Thái chứ không có ý định làm thầy mo.

Không làm thì thấy có tội với tổ tiên

Sinh năm 1945, từng học khoa Hóa tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng thiếu nữ dân tộc Thái Lương Thị Đại vẫn quyết định từ bỏ cơ hội trở thành kỹ sư khoa học để trở về quê nhà, gắn bó với sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc. Năm 1963, bà bắt đầu công tác ở Phòng sưu tầm văn hóa của Ty văn hóa Lai Châu cũ và luôn bị kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, kỳ thú của người Thái lôi cuốn.

Đến khi nghỉ hưu, bà vẫn không dứt ra được cái công việc sưu tầm, nghiên cứu khó nhọc, lặng thầm nhưng nhiều ý nghĩa này. Cứ thế, cho đến nay, dù đã ngoài tuổi 70 nhưng bà vẫn miệt mài với những chuyến đi, lọ mọ hàng đêm bên những công trình nghiên cứu.

Hơn 50 năm qua, bà đã phần nào làm “sống dậy” nguồn văn hóa dân gian của người Thái, vốn đang dần mai một, lai căng trước xu thế hội nhập, cơ chế thị trường. Mỗi khi người Thái trên mảnh đất Mường Thanh (Điện Biên) tổ chức lễ hội dân gian hay những buổi tọa đàm khoa học đề cập đến văn hóa dân gian của những dân tộc sinh sống trên địa bàn vùng núi Tây Bắc, sẽ không bao giờ thiếu sự có mặt của bà. Lương Thị Đại nặng lòng với văn hóa Thái chỉ vì một lẽ rất đơn giản: “Mình là người Thái, đó là việc của mình. Còn sức để làm mà không làm thì thấy có tội với tổ tiên”.

Làm công tác sưu tầm, thời gian chủ yếu của bà là đi và gặp. Cả năm có khi chỉ rong ruổi theo những chuyến đi bộ dài ngày. Nghe nói ở bản, làng heo hút nào có những bản chữ Thái cổ, có những người còn biết những nghi lễ của tổ tiên người Thái xa xưa, bà Đại lại tìm về. Hành trang trong mỗi chuyến đi chỉ vẻn vẹn giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh.

“Cái hạnh phúc của nghề là giúp mình được gặp gỡ, chuyện trò với các bậc cha chú, những thầy mo am hiểu tường tận nhất về văn hóa dân gian Thái. Phần lớn họ đã ở cái tuổi gần đất xa trời nên nếu không gặp được để ghi lại những pho tư liệu sống đó thì thật đáng tiếc. Chính điều này thôi thúc mình luôn phải đi”- Bà Đại chia sẻ.

an chuc nam cho hoc bua chu

Nghệ nhân Lương Thị Đại bên những tài liệu tiếng Thái cổ.

Và phần thưởng bà nhận được là những cuốn sách mo, sách cổ, những câu chuyện kể về bản, về mường... có niên đại hàng trăm năm được chủ nhà cất giữ qua nhiều thế hệ trong những ống tre, ống nứa như một vật gia bảo. Để hiểu hết tinh thần của những tư liệu ấy, không ít lần bà Đại xin ở lại nhà đồng bào hàng tháng trời, cùng ăn, cùng ngủ, cùng trải qua những nghi lễ, phong tục của họ.

Kinh phí cho mỗi chuyến công tác rất eo hẹp nên những khoản tiền như quà bánh để làm quen, tiếp cận chủ nhà, bà Đại cũng phải tự bỏ tiền túi. “Mình là người Thái, họ tin mình hơn. Nhưng đôi khi vẫn phải có thử thách. Nhiều lần, mình phải ở nhà họ ròng rã mấy tháng trời để gia chủ cảm thấy thật sự tin tưởng. Đến một ngày đẹp, tháng tốt, giờ lành, chủ nhà mới mang sách cổ cho xem”- Bà kể lại.

Cái khó nhất nhưng cũng lại là thuận lợi nhất trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái chính là tiếp xúc với các văn bản Thái cổ. Chữ Thái cổ là chữ tượng hình, viết liền không tách câu, không tách chữ và không có dấu. Hơn nữa, một chữ có thể có nhiều nghĩa nên rất khó nhớ. Lương Thị Đại là một trong số ít người dân tộc Thái biết nhiều về chữ Thái cổ hiện nay. Bà từng được mời tham gia viết sách cho đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông của ngành giáo dục tỉnh Điện Biên. Có thời gian, bà còn truyền dạy chữ Thái đen, Thái trắng cổ cho tiến sĩ Phi Chét Sai Pan, giảng viên trường Đại học Thăm Ma Sạt (Thái Lan).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là người Thái đen, mẹ là Thái trắng nên trong họ hàng của bà cũng có nhiều người am hiểu văn hóa dân gian dân tộc Thái, thường được đồng bào tín nhiệm cử ra tiến hành các Lễ hội của bản mường. Hai cuốn sách “Chuyện kể bản mường” (Quám Tố Mướng) và “Lịch vạn niên” (Sổ Chóng Bang) của bà được nghiên cứu, dịch thuật dựa trên cơ sở những bản gốc cổ, mà ông nội bà, một thầy mo có tiếng, đã gìn giữ qua hàng trăm năm và truyền lại cho bà trước lúc mất.

Niềm hạnh phúc lớn nhất hiện nay của nghệ nhân Lương Thị Đại là con trai bà hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa và đang hàng ngày tiếp bước con đường mà bà đã dành trọn cuộc đời để đi qua.

___________________

Lương Thị Đại đang lưu giữ 10 bản sách cổ của người Thái, những ghi chép cá nhân về phong tục tập quán dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú; Đã xuất bản 14 cuốn sách thuộc Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam. Bà từng nhận được nhiều Huy chương của chính phủ, của Bộ TT-VH-DL và nhiều Bằng khen cùng giải thưởng khác. Đầu năm 2016, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho những đóng góp của mình trong việc bảo tồn văn hóa dân gian của người Thái.

Không được tiếp tay cho kẻ xấu làm việc thất đức

Theo bà Lương Thị Đại, nắm giữ trong tay những bí mật của thánh thần, có thể làm những việc mà người bình thường không sao làm được nhưng các thầy mo luôn luôn phải chịu sự giám sát nghiêm khắc của thần linh. Không được vi phạm lời thề với thần linh, không được tiếp tay cho kẻ xấu làm những việc thất đức. Thầy càng cao tay càng phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Đó là một sự ràng buộc vô hình nhưng vô cùng bền chắc, không gì có thể phá vỡ được.

“Thầy mo cũng phải khác người thường lắm, họ có những quy tắc, cấm kỵ nhất định trong cuộc sống. Ví dụ như không ăn đồ thừa, không ăn một lúc 3 loại rau, không đi dưới các sàn nhà, không đi qua các dây phơi… và rất nhiều nguyên tắc nữa đã trở thành nếp sống hàng ngày thì mới có thể làm bùa thiêng. Điều này lý giải vì sao mỗi bản thường chỉ có 1 người và cả tỉnh có khi chỉ có 1-2 người thầy bùa uy tín, được kính nể” - nghệ nhân Lương Thị Đại cho biết thêm.

XEM THÊM

an chuc nam cho hoc bua chu Nghe chuyên gia giải mã bùa ngải

Thời gian gần đây, việc rao bán bùa ngải bỗng dưng công khai tràn lan trên các trang mạng xã hội. Trên facebook cũng xuất ...

an chuc nam cho hoc bua chu Kỳ bí loài cây mang tên bùa ngải 'đoạn tình'

Bùa ngải có thật không? Nói như người miền xuôi là quả báo, là bị trời đánh. Ngay cả người dùng cây bùa tình yêu ...

an chuc nam cho hoc bua chu Cô giáo Ê đê và kí ức bị coi thường, người khác đồn 'có nhiều bùa ngải'

Theo học Sư phạm, ước mơ trở thành giáo viên Lịch sử nhưng ít ai biết rằng cô giáo người Ê đê đã phải vượt ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.