Bà bán phở 'ngồi cùng mâm' với doanh nghiệp tỉ USD?

Thảo luận về luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đa số các đại biểu đều nhất trí rằng việc để các hộ kinh doanh (bà bán phở, cửa hàng tạp hóa, quán nhậu...) cùng khung pháp lí như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn là không phù hợp.
Bà bán phở 'ngồi cùng mâm' với doanh nghiệp tỉ USD? - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang, trái) và Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quang Hoàng).

“Số phận” 5 triệu hộ kinh doanh vẫn chưa ngã ngũ, khi Chính phủ đề xuất đưa vào luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để xác lập địa vị pháp lí, trong khi đa số đại biểu cho rằng số này phần lớn nhỏ lẻ, năng động (bán phở, tạp hóa...) cần phải có luật riêng điều chỉnh.

Tiếp tục Kì họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa 14, hôm qua (21/5) các đại biểu (ĐB) thảo luận trực tuyến tại hội trường về dự thảo luật Doanh nghiệp (DN) 2014 (sửa đổi). Nội dung nhận được nhiều ý kiến nhất xoay quanh việc đưa hay không đưa các hộ kinh doanh vào trong dự thảo. 

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, luật sửa đổi sẽ có 1 chương riêng quy định về hộ kinh doanh bên cạnh các thành phần kinh tế khác như công ty cổ phần, DN nhà nước...

Nhỏ lẻ, năng động cần 1 “sân” riêng?

Dẫn số liệu cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết hơn 7,9 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỉ đồng doanh thu, chiếm khoảng 30% GDP, tuy nhiên theo ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu), đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lí sẽ chặt chẽ hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào luật DN sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lí.

"Hộ kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ, khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Vì vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp manh mún, siêu nhỏ, thiếu tính bền vững, tôi đề nghị cần cân nhắc và không nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật doanh nghiệp (sửa đổi)", ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang).

Đa số các ĐB đều nhất trí rằng việc để các hộ kinh doanh (bà bán phở, cửa hàng tạp hóa, quán nhậu...) cùng khung pháp lí như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn là không phù hợp. 

“Hộ kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ, khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Vì vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp manh mún, siêu nhỏ, thiếu tính bền vững, tôi đề nghị cần cân nhắc và không nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật DN (sửa đổi)”, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu ý kiến.

"Hiện nay, đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỉ, nhưng hoạt động theo luật Hợp tác xã, thuế khoán. Do đó, chúng tôi cho rằng đưa vào luật sẽ thúc đẩy được rất nhiều các hộ đủ điều kiện để chuyển sang doanh nghiệp ngay", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Quan điểm duy nhất ủng hộ phương án đưa các hộ kinh doanh vào dự thảo luật lần này là của ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo ông Lộc, hộ kinh doanh đã trở thành cứu tinh của những người kinh doanh nhỏ, và đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh. 

Trong khi đó, với quy định trong bộ luật Dân sự 2015, hiện nay các cá nhân trong hộ kinh doanh chỉ có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh thông qua vai trò đại diện và các hộ không có tư cách pháp nhân, để triển khai các hoạt động kinh doanh. Nếu vẫn cứ tiếp tục duy trì vai trò chủ thể hộ kinh doanh nguyên trạng như vậy, sẽ không còn hợp lí.

“Nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lí của mình trong bộ luật riêng, thì với chương trình xây dựng pháp luật dày đặc của QH như thế này, ít nhất phải 2 - 3 năm chúng ta mới có thể ra được bộ luật này. Trong thời gian 2 - 3 năm nữa thì hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào đâu, không có cơ sở pháp lí để bảo vệ họ, điều chỉnh hoạt động của họ. Bởi vì luật Dân sự đã bác tư cách chủ thể của họ rồi”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.

Nhiều hộ “nghìn tỉ” không lên doanh nghiệp

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng “ý nào cũng có cái hay riêng”. Còn lí do mà Chính phủ trình xin QH đưa ngay vào luật lần này, nhằm định danh cho loại hình hộ kinh doanh; bảo vệ được quyền lợi cho các hộ kinh doanh, và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ; ngoài ra, sẽ bãi bỏ được một số vướng mắc đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh. 

“Nếu chúng ta tháo bỏ được việc này thì hộ kinh doanh sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, chúng ta sẽ giải phóng nhiều nguồn lực hơn và sẽ đảm bảo được mục tiêu là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng KH-ĐT, đưa hộ kinh doanh vào luật không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không phải đăng kí lại, và không có tác động tiêu cực, mặt khác còn tạo điều kiện, tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo loại hình DN. 

“Hiện nay, có rất nhiều hộ kinh doanh có quy mô rất lớn. Chúng ta khống chế chỉ được sử dụng dưới 10 lao động nhưng đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỉ, nhưng lại hoạt động theo luật Hợp tác xã, thuế khoán. Do đó, chúng tôi cho rằng đưa vào luật sẽ thúc đẩy được rất nhiều các hộ đủ điều kiện để chuyển sang DN ngay”, ông Dũng nói.

Vấn đề cuối cùng, theo Bộ trưởng Dũng, nếu xây dựng luật Hộ kinh doanh mới sẽ mất ít nhất 3 năm. 

“Chúng tôi cho rằng những gì mà có lợi chúng ta có thể làm ngay. Khi nào chúng ta làm được luật riêng thì chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới là xong, nó vẫn nối tiếp, kế thừa. Còn trước mắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hộ hoạt động một cách tốt nhất cho nền kinh tế, đóng góp được nhiều nhất”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề xuất.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.