Đặc biệt, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỉ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỉ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư.
Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng kí 2,17 tỉ USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan.
Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (với 528 dự án), tiếp theo là Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (với 294 dự án), Nhật Bản ở vị trí thứ ba (với 226 dự án) và Hồng Kông ở vị trí thứ tư (với 164 dự án).
Dưới đây là một số dự án FDI tiêu biểu giúp nâng vốn FDI vào Việt Nam tính đến tháng 10/2020.
Ngày 12/10, Lễ kí kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bạc Liêu và Công ty Delta Offshore Energy, nhà đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu đã diễn ra tại trụ sở UBND tỉnh, báo Bạc Liêu đưa tin.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí hóa lỏng Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW và tổng mức đầu tư 93.600 tỉ đồng (tương đương khoảng 4 tỉ USD), do Công ty Delta Offshore Energy làm chủ đầu tư.
Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) với diện tích 40ha, tổ hợp kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu (diện tích 100ha), cách vị trí nhà máy điện 35km.
Theo Bản ghi nhớ, các bên cam kết dành mọi nỗ lực để phối hợp cùng các cơ quan quản lí Trung ương và địa phương hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của giai đoạn phát triển dự án trong năm 2020 theo đúng tiến độ qui định tại Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã cấp cho dự án vào tháng 1/2020.
Việc đàm phán chính thức với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về hợp đồng mua bán điện thời hạn 25 năm sẽ bắt đầu ngay sau sự kiện này và thống nhất sẽ được kí kết vào cuối năm nay.
Việc thiết kế kĩ thuật sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020, cho phép bắt đầu triển khai dự án ngay trong năm 2021 để tổ máy đầu tiên của nhà máy điện sẽ vận hành phát điện thương mại vào năm 2024 theo quy định tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo báo Đầu tư, trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ KH - ĐT cho thấy Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã chính thức được nâng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ USD.
Tổ hợp hóa dầu này đã được cơ quan chức năng Việt Nam cho phép mở rộng đầu tư, nâng vốn từ 3,7 tỉ USD lên gần 5,1 tỉ USD, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thông qua điều chỉnh công nghệ, công suất.
Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, hay còn gọi là Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, được quyết định đầu tư vào năm 2008, nhưng sau đó đã liên tục được điều chỉnh, đổi chủ đầu tư.
Đến tháng 6/2018, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan, sau khi Tập đoàn SCG ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam), tăng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100%.
Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu miền Nam có tổng diện tích 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (TP Vũng Tàu), trong đó, 398 ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm), 66 ha đất xây dựng cảng.
Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử.
Tập đoàn SCG cam kết đưa dự án vận hành vào cuối năm 2022.
Dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai (Singapore)
Theo Bộ KH - ĐT, tòa văn phòng Capital Place thuộc dự án Vinhomes Metropolis tại số 29 Liễu Giai, Hà Nội vừa được nhà đầu tư Singapore tăng vốn thêm 246 triệu USD.
Trước đó, ngày 11/3/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định cho phép CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup) chuyển nhượng một phần dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp - Vinhomes Metropolis tại số 29 Liễu Giai (tên thương mại hiện nay là Capital Place) cho CTCP Twin-Peaks.
Cụ thể, vị trí khu đất tại ô đất kí hiệu VP thuộc dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp - Vinhomes Metropolis tại số 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.
Tổng mức đầu tư của phần dự án chuyển nhượng (không phải là giá trị chuyển nhượng và được tạm tách ra từ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án) là hơn 1.221 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện của phần dự án chuyển nhượng theo tiến độ của toàn bộ dự án.
Vinhomes Metropolis là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp tại số 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam, công ty con thuộc tập đoàn Vingroup.
Dự án Vinhomes Metropolis có 3 phần chính, bao gồm: Tòa nhà văn phòng có diện tích đất 7.685 m2, Tổ hợp công trình hỗn hợp (trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, nhà trẻ) có diện tích đất 17.525 m2, Khu trường tiểu học và trung học cơ sở có diện tích 6.400 m2.
Tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng kí cấp mới và điều chỉnh của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam đạt 23,48 tỉ USD, bằng 80,6% so với cùng kì năm 2019, theo số liệu từ Bộ KH-ĐT.
Trong đó, vốn đăng kí mới đạt 11,66 tỉ USD, giảm 9,1% so với cùng kì và vốn tăng thêm đạt trên 5,71 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kì. Ngoài ra, còn có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 6,11 tỉ USD, giảm 43,5% so với cùng kì.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong số đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỉ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng kí.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỉ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng kí. Tiếp theo, lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng kí gần 3,5 tỉ USD và 1,4 tỉ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.