TP HCM: Vi rút Zika tiếp tục tấn công mạnh ở 23 quận, huyện | |
TP HCM: 1 thai phụ thụ tinh ống nghiệm nhiễm vi rút Zika |
Vi rút Zika có từ thế kỷ trước
Nhiều người mắc bệnh do Zika có triệu chừng rất nhẹ, thậm chí không có biểu hiện gì đặc biệt, chỉ sốt nhẹ, phát ban, đỏ mắt... |
Số trường hợp nhiễm vi rút Zika ở TP HCM liên tục tăng, tính đến ngày 18/12 ngành y tế thành phố đã xác nhận 139 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 18 thai phụ đang được theo dõi theo quy định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: “Vi rút Zika được phát hiện từ những năm 40 của thế kỷ XX. Trước đây do bệnh rất nhẹ, tự hết, không biến chứng nên không được nhắc đến nhiều”.
Hiện nay, vi rút Zika cũng gây bệnh rất nhẹ, trừ phụ nữ mang thai thì các trường hợp khác bệnh sẽ tự hết, không biến chứng, không gây hại. Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ thấp thai nhi sinh ra bị tật đầu nhỏ nên bệnh do vi rút Zika được nhắc đến nhiều và các biện pháp phòng bệnh cũng cần được tích cực thực hiện.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, nhiều người mắc bệnh do Zika có triệu chứng rất nhẹ, thậm chí không có biểu hiện gì đặc biệt, chỉ sốt nhẹ, phát ban, đỏ mắt, đau nhức khớp, triệu chứng chỉ kéo dài vài ngày rồi tự hết. Tuy nhiên, người bệnh không được chủ quan, bởi đây chính là nguồn lây bệnh cho người khác.
Đối với phụ nữ mang thai, triệu chứng cũng như người bình thường và thai nhi càng lớn thì ảnh hưởng do vi rút Zika càng thấp. Tổ chức y tế thế giới khuyên việc quan trọng khi điều trị theo dõi người phụ nữ mang thai không may mắc Zika là theo dõi thai kỳ sát hơn, đặc biệt quan trọng là giúp cho họ an tâm, giảm căng thẳng. Tại TP HCM, một thai phụ mắc vi rút Zika nhưng cũng đã sinh ra một bé có vòng đầu hoàn toàn bình thường.
Không giao hết cho ngành y tế
Cần phải dọn dẹp môi trường phòng phát sinh muỗi, lăng quăng phải làm thường xuyên ngay cả mùa khô và nhất là đầu mùa mưa. |
Vi rút Zika cùng "gia đình" với vi rút gây sốt xuất huyết và vi rút viêm não Nhật Bản, cũng lây qua đường muỗi chích. Loại muỗi mang mầm bệnh này sống quanh nhà, thường chích ban ngày, ở nơi có ánh sáng. Chúng đẻ trứng ở những nơi không cần nhiều nước, trong những vật dụng chứa nước nhỏ. Nước càng nhiều càng phát sinh nhiều muỗi.
Nói về vấn đề phòng bệnh của người dân thành phố, bác sĩ Khanh cho rằng, nơi nào có bệnh sốt xuất huyết là có bệnh Zika. Nhiều năm qua việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng cách diệt muỗi và lăng quăng vẫn được tuyên truyền đầy đủ. Tuy nhiên, kết quả vẫn không như mong muốn, ngay cả khi xuất hiện thêm vi rút Zika người dân vẫn chủ quan không tích cực diệt muỗi và lăng quăng.
"Đây cũng chính là lý do vì sao ở Việt Nam ca bệnh nhiễm Zika liên tục tăng và sẽ ngày càng nhiều nếu cả cộng đồng không cùng nhau phòng chống", bác sĩ Khanh lý giải cụ thể tình hình dịch bệnh tại TP HCM.
Theo bác sĩ Khanh, nhiều người nhầm tưởng chỉ mưa nhiều, nước đọng nhiều mới phát sinh lăng quăng và muỗi. Tuy nhiên, điều này không đúng vì trứng muỗi trong môi trường thuận lợi có thể tồn tại 3 - 4 tháng, chỉ cần tưới cây đọng nước hoặc một cơn mưa nhỏ, trứng muỗi sẽ nở ra và phát triển thành muỗi. Lúc đầu ít con sau thành cả đàn và sẵn sàng lây bệnh.
Do đó, để bảo vệ bản thân, người dân cần chủ động dọn dẹp môi trường phòng phát sinh muỗi, lăng quăng, làm thường xuyên ngay cả mùa khô, đặc biệt là đầu mùa mưa. Trong gia đình cần chú ý đến vật chứa trong và xung quanh nhà như mảnh vỡ, hồ cá, vỏ xe cũ... Ngoài ra, không được bỏ qua các công trường, đất trống quanh khu dân cư vì đây là cư ngụ lý tưởng của muỗi vằn.