Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo nhỏ hơn ở lân cận và quần đảo Thổ Chu nằm cách đó 55 hải lý về phía tây nam hợp thành thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Có diện tích vào khoảng 589,27 km2.
Quy hoạch giao thông thành phố Phú Quốc được xác định tại quyết định số 633/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Ngày 17 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ra thêm Quyết định số 868/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Quyết định số 868/QĐ-TTg là quyết định mang tính chất sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 633/QĐ-TTg. Hai Quyết định này vẫn có hiệu lực cho đến khu Quyết định mới được duyệt.
Về quy hoạch phát triển giao thông, thành phố Phú Quốc được quy hoạch như sau:
Về hệ thống giao thông đối ngoại, quy hoạch như sau:
Đường hàng không: cảng hàng không quốc tế mới xây dựng tại Dương Tơ có diện tích khoảng 898 ha, đạt tiêu chuẩn cấp 4E (theo tiêu chuẩn ICAO) phát triển kết cấu hạ tầng cho sân bay đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay B 767, B 747 và tương đương hoạt động. Quy mô hành khách của sân bay tới năm 2020 khoảng 2,65 triệu hành khách, trong đó khoảng 1 triệu khách quốc tế, tương lai có thể mở rộng quy mô đón 7 triệu khách/năm. Sau khi đưa sân bay mới vào sử dụng, sân bay hiện hữu Dương Đông sẽ sử dụng để xây dựng khu đô thị trung tâm của đảo.
Xây dựng cảng tổng hợp quốc tế An Thới với quy mô hàng hóa thông qua cảng 500 - 700 nghìn tấn/năm, hành khách thông qua cảng 360 nghìn lượt khách/năm; Xây dựng cảng du lịch quốc tế nước sâu tại vịnh Đất Đỏ có thể tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế lớn. Tương lai phát triển thành cảng nước sâu quốc tế cho vùng phía tây nam; Xây dựng kè chắn sóng neo đậu tàu đánh cá và cảng Dương Đông. Tiếp nhận tàu thuyền đánh cá tránh sóng, tiếp nhận khách du lịch, bến du thuyền và hàng hóa.
Về hệ thống giao thông đối nội, quy hoạch như sau:
Đường trục chính: Cây dựng tuyến đường trục chính cao tốc Bắc - Nam của đảo: An Thới - Dương Đông - Suối Cái với chiều dài khoảng 38 km, mặt đường đôi mỗi bên rộng 9 m, dọc theo đường bố trí 2 làn xe điện (tramway), hai bên có vỉa hè và dải cây xanh. Tổng lộ giới rộng 60 m. Xây dựng tuyến đường trung tâm khu đô thị Dương Đông có mặt đường đôi mỗi bên rộng 10,5m, lộ giới rộng 40 m, đường trục chính đô thị.
Đối với các khu đô thị hiện hữu (Dương Đông, An Thới) mạng lưới đường trong các đô thị được xây dựng cải tạo nâng cấp đảm bảo lưu thông trong tương lai. Các khu đô thị mới khi xây dựng phải đảm bảo mặt cắt ngang đúng tiêu chuẩn theo cấp và loại đường đô thị.
Các đường dân sinh trong các làng nghề, các khu du lịch sinh thái trong rừng xây dựng theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn. Triệt để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên chủ yếu phục vụ đi bộ và xe 2 bánh. Cải tạo các bến bãi hiện có và xây dựng các bến bãi mới để hình thành mạng lưới giao thông tĩnh. Xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường và đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách trên đảo. Các tuyến giao thông công cộng chính gồm: Tuyến xe điện mặt đất (tramway) An Thới - Dương Đông - Suối Cái; Sân bay - Bãi Trường - An Thới. Các tuyến xe buýt, taxi dọc theo các trục giao thông chính, khu vực và đường quanh đảo phục vụ dân cư và khách du lịch. Các tuyến taxi biển vòng quanh đảo nối các khu đô thị và các khu du lịch dọc theo bờ biển. Các tuyến đi bộ dã ngoại trong rừng quốc gia, rừng phòng hộ. Tuyến cáp treo hồ Cửa Cạn - Núi Chúa - Đá Chồng. Tuyến giao thông thủy sông Dương Đông, sông Cửa Cạn, Rạch Vịnh Đầm, Rạch Tràm. Bãi đỗ xe được bố trí tại 3 đô thị và các khu du lịch, các điểm dừng chân ngắm cảnh dọc bờ biển.
Dưới đây là quy hoạch giao thông thành phố Phú Quốc thể hiện trên bản đồ quy hoạch đến năm 2030 của thành phố Phú Quốc:
- Xem thêm: Cập nhật toàn bộ bản đồ quy hoạch giao thông thành phố Phú Quốc TẠI ĐÂY.