Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An

Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An được thể hiện trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Sở hữu vị trí địa lý khá đặc biệt bên cạnh đó còn thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Long An được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.

Tỉnh Long An thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh duy nhất của miền tây nối liền cửa ngõ TP HCM. Phía đông và đông bắc giáp với TP HCM và tỉnh Tây Ninh, phía bắc tỉnh Svay Rieng (Vương Quốc Campuchia), phía tây và tây bắc giáp giáp với tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prey Veng (Vương quốc Campuchia), phía nam giáp với tỉnh Tiền Giang.

Long An có tổng diện tích 4.492 km², 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện với 188 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường, 15 thị trấn và 161 xã.

Về quy hoạch, ngày 30/12/2013, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định 4666/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Tân An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này vẫn có giá trị cho tới khi quy hoạch mới được lập, công bố trong thời gian tới.

Theo tính chất quy hoạch, tỉnh Long An là khu vực kết nối các vùng kinh tế động lực của quốc gia (vùng TP HCM, vùng Đồng Bằng sông Cửu Long) và vùng Campuchia; Đầu mối giao thông quan trọng kết nối tỉnh Long An với quốc tế, quốc gia; Vùng phát triển đô thị - công nghiệp tập trung, trung tâm thương mại dịch vụ đa ngành, trung tâm phát triển nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái đặc trưng và đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười; Có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng.

Trong định hướng phát triển không gian đô thị, tỉnh Long An được quy hoạch như sau:

Không gian xây dựng đô thị: Phát triển không gian đô thị vùng trung tâm bao gồm: vùng TP Tân An, Bến Lức là vùng đô thị động lực của toàn tỉnh, vùng đô thị Cần Giuộc và cảng Long An; TP Tân An là đô thị hạt nhân của tỉnh và vùng trung tâm, đô thị Bến Lức là đô thị trung tâm tiểu vùng phía tây bắc và đô thị Cần Giuộc trung tâm tiểu vùng phía đông; Không gian vùng đô thị phía bắc: bao gồm vùng đô thị Đức Hòa và độ thị Hậu Nghĩa là vùng đô thị động lực phía bắc; vùng đô thị thị trấn Mỹ Hạnh, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Đông Thành và đô thị Mỹ Quý. Đô thị Hậu Nghĩa là trung tâm vùng phía bắc; Không gian vùng đô thị phía tây: bao gồm vùng đô thị Kiến Tường gắn với khu kinh tế cửa khẩu Long An, đô thị Bình Phong Thạnh ( Mộc Hóa ), thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Thạnh Hóa và đô thị Hậu Thạnh Đông, vùng đô thị thị trấn Vĩnh Hưng và thị trấn Tân Hưng. Đô thị Kiến Tường là trung tâm vùng phía tây. Không gian hệ thống đô thị theo các trục hành lang kinh tế đô thị phát triển trong tương lai bảo đảm phát triển cân bằng.

Tổ chức không gian vùng cảnh quan, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái: Vùng du lịch cảnh quan tầm quốc tế ở Đồng Tháp Mười; Vùng du lịch TP Tân An - Bến Lức – Thủ Thừa là trung tâm mua sắm, giải trí cao cấp, du lịch cảnh quan nghỉ dưỡng ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây và du lịch văn hoá lịch sử; Cụm du lịch Cần Giuộc - Cần Đước, cụm du lịch Đức Hòa – Đức Huệ, cụm du lịch Mộc Hóa, cụm du lịch Tân Hưng và điểm du lịch Vĩnh Hưng. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen thuộc huyện Tân Hưng bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn Bàu Biển thuộc huyện Vĩnh Hưng . 

Tổ chức không gian vùng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp bao gồm: Công nghiệp tập trung quy mô lớn: khu vực Tân An – Bến Lức hình thành vùng công nghiệp công nghệ cao; khu vực Đức Hòa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến; khu vực Cần Giuộc - Cần Đước phát triển công nghiệp càng gắn với cảng quốc tế Long An, công nghiệp phụ trợ vận tải đường thủy; khu vực Kiến Tường - Mộc Hóa hình thành khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu. Các vùng công nghiệp với các khu công nghiệp - cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với các đô thị. 

Tổ chức không gian vùng nông, lâm, thủy sản: hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, trang trại chăn nuôi tập trung theo đặc trưng của từng huyện thị, vùng trồng lúa cao sản xuất khẩu, cây tràm, cá nước ngọt tại vùng Đồng Tháp Mười.

Dưới đây là quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An thể hiện trên bản đồ quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An - Ảnh 1.

Tỉnh Long An trên bản đồ Google vệ tinh.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An - Ảnh 2.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An (Nguồn: Sở Quy hoạch & Kiến trúc tỉnh Long An).

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An - Ảnh 3.

Ký hiệu các loại đất trên bản đồ quy hoạch. (Nguồn: Sở Quy hoạch & Kiến trúc tỉnh Long An).

- Xem và tải về toàn văn quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An TẠI ĐÂY.

- Xem chi tiết quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An đến năm 2020 TẠI ĐÂY.

- Xem thêm: Cập nhật toàn bộ bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An TẠI ĐÂY.