Abhinandan Varthaman là phi công điều khiển chiếc Mig-21 của Ấn Độ bị lực lượng không quân Pakistan bắn rơi ngày 27/2. Sau khi nhảy dù thoát hiểm xuống lãnh thổ đối phương, Varthaman phải xé tài liệu chiến thuật mang theo người, nuốt hết vào bụng để tránh thông tin tình báo rơi vào tay kẻ địch.
Truyền thông Ấn Độ cho biết viên phi công bị đám đông bao vây và đánh trọng thương, trước khi được đơn vị quân đội Pakistan "giải cứu".
Trong những ngày sau đó, những hình ảnh Varthaman bị tra tấn lan truyền trên mạng xã hội khắp thế giới. Trong một đoạn video, viên phi công Ấn Độ bị bịt mắt, tay trói quặp ra sau lưng, gương mặt vẫn bê bết máu. Phía Islamabad sau đó lại công bố một đoạn video khác để bác bỏ các cáo buộc ngược đãi tù nhân. Varthaman được gội rửa sạch sẽ và đang uống trà
Viên phi công 35 tuổi, với hàm râu quai nón và sự điềm đạm trước đối phương, trở thành gương mặt đại diện cho cuộc xung đột mới nhất giữa Pakistan và Ấn Độ tại vùng Kashmir. Cả hai xem anh là phần thưởng lớn trong cuộc chiến địa chính trị dai dẳng tại khu vực.
Quân cờ domino đầu tiên dẫn đến phản ứng dây chuyền, làm bùng nổ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan là vụ đánh bom khủng bố ngày 14/2 tại vùng Jammu và Kashmir, trong khu vực được Ấn Độ quản lý.
Nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed (JEM) nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công đẫm máu, khiến ít nhất 40 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng. Cuộc tấn công của nhóm JEM được xem là vụ khủng bố gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng nhất cho an ninh Ấn Độ trong nhiều năm qua.
Ngày 25/2, Pakistan thông báo đã điều động khẩn phi đội JF-17, chặn máy bay chiến đấu của Ấn Độ trinh sát không phận Pakistan gần Kashmir. Trung tướng không quân Pakistan Asif Ghafoor cáo buộc máy bay nước láng giềng khai hỏa gần thị trấn Balakot trước khi quay đầu trở về. Vụ việc nghiêm trọng khi chiến đấu cơ của Ấn Độ chỉ còn cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 100 km.
Khu vực Kashmir ngày 26/2 sục sôi như bên bờ vực chiến tranh. Chiến đấu cơ Ấn Độ lại một lần nữa vượt qua ranh giới kiểm soát tại Kashmir, tiến vào khu vực của Pakistan. Chính phủ New Delhi khẳng định phi vụ không kích nhắm vào một trại huấn luyện của nhóm phiến quân JEM, gần thị trấn Balakot.
Chiến dịch diễn ra rầm rộ. Truyền thông Ấn Độ cho biết hơn 10 chiến đấu cơ Mirage 2000 tham gia không kích, với sự hiệp đồng tác chiến cùng máy bay cảnh báo sớm EMB-145, máy bay tiếp dầu Il-78 và máy bay không người lái Heron.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định cuộc không kích đã loại khỏi vòng chiến "số lượng lớn các phần tử khủng bố của JEM". Trong khi đó, theo Reuters, các nhân chứng tại Balakot mô tả chỉ một người bị thương và không có ai thiệt mạng sau vụ không kích. Quân đội Ấn Độ thông báo đã dùng tên lửa Spyder bắn hạ một máy bay không người lái của Pakistan đang do thám gần biên giới.
Vụ tấn công trên không khận Pakistan khiến chính quyền Islamabad nổi giận và đe dạo đáp trả. Trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn quân đội Pakistan cảnh báo "sẽ có món quà bất ngờ" dành cho không quân Ấn Độ. Ông tuyên bố biện pháp đáp trả sẽ được thực hiện "tại thời điểm và vị trí do Pakistan quyết định".
Lời đe dọa của tướng Ghafoor được hiện thực hóa vào ngày 27/2. Phía New Delhi cáo buộc F-16 Pakistan tiến qua đường ranh giới kiểm soát tại Kashmir để tấn công quân đội Ấn Độ. Mig-21 được lệnh đánh chặn, bắn hạ một máy bay của Pakistan. Phía Islamabad trong khi đó tuyên bố đã bắn hạ hai chiếc Mig-21 của đối thủ. Pakistan còn bắt giữ một phi công của Ấn Độ.
May mắn là các bên, trong những ngày gần đây, dường như đang chuyển sang hướng tiếp cận giảm căng thẳng. Chính phủ của Thủ tướng Imran Khan tại Islamabad nhanh chóng chấp nhận trả tự do cho phi công Ấn Độ, khẳng định quyết định này là "động thái cho hòa bình".
Những căng thẳng được xoa dịa khi Varthaman dược trả tự do vào khoảng 9h20 ngày 1/3. Anh bước qua chốt biên phòng tại Wagah, mặc áo khoác thể thao màu xanh, áo sơ mi trắng bỏ nút gần cổ. Người phi công Ấn Độ toát lên sự nhẹm nhõm khi những đồng đội biên phòng bắt tay anh rồi đưa lên đoàn xe chính phủ rời biên giới Pakistan. Anh cuối cùng đã trở về quê nhà sau một tuần đầy biến động.
Theo Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ), bước đi này chỉ làm giảm rủi ro chứ không loại bỏ hoàn toàn khả năng Ấn Độ sử dụng vũ lực về trung hạn.
"Cuối cùng rồi cuộc khủng hoảng này sẽ chấm dứt. Nhưng cả hai nước đều phải chấp nhận thực tế rằng những yếu tố trên thực địa khiến cả hai cảm thấy khó chịu đều không thay đổi", ông cảnh báo Kashmir vẫn sẽ là ngòi nổ nguy hiểm cho xung đột.
Theo Kugelman, Pakistan nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách cho phép các nhóm phiến quân chống Ấn Độ ẩn náu trên lãnh thổ. Cuộc khủng hoảng vừa qua chỉ khiến Islamabad thêm ủng hộ những nhóm vũ trang này như là lá chắn phòng trường hợp xung đột nổ ra với Ấn Độ.
Trong khi đó, lập trường chủ quyền của New Delhi về vùng Kashmir cũng khó thay đổi. Lực lượng an ninh Ấn Độ sẽ gia tăng các chiến dịch chống khủng bố, đặc biệt khi vụ tấn công ngày 14/2 được tổ chức bởi một người địa phương. Những biện pháp an ninh gắt gao có thể tăng rủi ro trả đũa từ các nhóm phiến quân ẩn náu tại Pakistan.
"Khi cuộc khủng hoảng này trôi qua, Ấn Độ và Pakistan có thể gia tăng những cách hành xử làm dày thêm sự thù hằn của mỗi bên, mở đường cho những căng thẳng mới và có thể là một cuộc khủng hoảng mới", Kugelman cảnh báo.
Kể từ khi bị chia cắt vào năm 1947, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đối đầu hoặc bên bờ vực xung đột. Những vụ nổ súng giữa hai phía dọc theo đường phân cách ở Kashmir vẫn thường xuyên xảy ra.
Cuộc chiến tranh biên giới năm 1971 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người dù kéo dài chỉ 13 ngày, và là một trong những cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử, theo Foreign Policy. Lần cuối cùng hai nước đưa quân vào lãnh thổ của nhau là trong đợt xung đột năm 1999 tại Kargil. Biệt kích Pakistan xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ nhằm tái chiếm một thung lũng mà chính phủ Islamabad cho rằng phải thuộc về Pakistan theo đúng hiệp định năm 1947.
Tuy nhiên, kể từ khi cả hai nước thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân trong giai đoạn cuối thập niên 1990, chưa bao giờ Ấn Độ và Pakistan cho chiến đấu cơ xâm phạm vùng trời của nhau. Điều đó đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tháng 2 tại Kashmir.
Lần đần tiên trong thế kỷ này, Ấn Độ và Pakistan, cặp "kẻ thù truyền kiếp" duy nhất trên thế giới vừa là láng giềng của nhau vừa được vũ trang hạt nhân, công khai cả ý định và năng lực dội "mưa tên lửa" vào lãnh thổ của nhau.
Các chiến dịch không kích vượt ra khỏi vùng tranh chấp ở Kashmir, tiến sâu vào không phận Pakistan, cho thấy New Delhi sẵn sàng có hành động phủ đầu. Những chi tiết trên thực địa về hoạt động của quân đội Ấn Độ có thể còn mơ hồ. Thông tin của Reuters và Al Jazeera cho thấy Ấn Độ đã phóng đại con số 300 phần tử phiến quân bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, chi tiết về kết quả chiến dịch không quan trọng bằng phạm vi địa lý. New Delhi qua loạt đánh bom hôm 26/2 đã khẳng định chấm dứt giai đoạn tự kiềm chế, sẵn sàng đánh bom xa đường biên giới hai nước. Mục tiêu không kích mà phi công Varthaman nhận được không nằm tại khu vực Kashmir, mà nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan và chỉ cách thủ đô Islamabad khoảng 100 km.
Trong khi đó, Pakistan thông qua hành động bắn rơi Mig-21 cho thấy họ sẵn sàng đáp trả tương xứng, dù kho vũ khí của Pakistan vẫn khá khiêm tốn so với tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ. Islamabad cho thấy họ sẽ không nhân nhướng trong trường hợp New Delhi chọn mở chiến dịch quân sự trên lãnh thổ nước láng giềng như thập niên 1970.
Bầu không khí thù địch kéo dài hơn nửa thế kỷ lại bùng lên ở Nam Á trong những ngày vừa qua. Một bình luận viên thuộc hãng tin trung hữu Geo News của Pakistan cảnh báo xung đột lần này tại Kashmir có thể là "cuộc chiến cuối cùng" với Ấn Độ.
Trong khi đó, từ những ngôi sao điện ảnh tại Bollywood, chính trị gia đến truyền thông Ấn Độ đồng loạt ủng hộ vụ không kích trả đũa ngày 26/2 của New Delhi. Những từ khóa như "Ấn Độ phản công", "Ấn Độ trả thù" lan tỏa trên mạng xã hội Twitter. Ngay cả những nhà bình luận trung lập cũng ủng hộ đợt không kích trên lãnh thổ Pakistan.
"Đối thủ nói họ muốn Ấn Độ chảy máu đến chết với 1000 vết chém. Nhưng mỗi lần chúng tấn công, chúng ta chắc chắn sẽ trả đũa mạnh hơn và cứng rắn hơn", Vijay Kumar Singh, một bộ trưởng trong nội các ông Modi, khẳng định.
Bầu không khí thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan đang khiến cả thế giới lo ngại, đặc biệt khi cả hai nước đều nắm trong tay vũ khí hạt nhân có khả năng cướp đi mạng sống của hàng trăm triệu dân thường vô tội.
Pakistan khó có thể sánh kịp Ấn Độ xét về kho vũ khí quy ước, như máy bay chiến đấu, quân số, thiết giáp hay trực thăng. Ngân sách quân phòng của Ấn Độ năm 2018 lên đến 64 tỷ USD, còn của Pakistan chỉ vào khoảng 11 tỷ USD.
Ấn Độ có đến 1,2 triệu quân thường trực và gần 990.000 quân dự bị. Họ có khoảng 97 trung đoàn thiết giáp với gần 4.000 xe tăng, phần lớn là T-72 và T-90 do Nga sản xuất. Lục quân Ấn Độ còn có gần 4.000 pháo và hệ thống phóng tên lửa. Trong khi đó, tổng số quân chính quy và quân dự bị của Pakistan vào khoảng 1,15 triệu người. Hơn 700 xe tăng tiền tuyến, khoẳng 2.000 phương tiện pháo binh.
Sự chênh lệnh về sức mạnh này càng gia tăng rủi ro Islamabad sử dụng con bài hạt nhân trong trường hợp xung đột nổ ra. Về phương diện này thì Pakistan không hề thua kém đối thủ láng giềng. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2018, Pakistan đang nắm trong tay từ 140 - 150 đầu đạn hạt nhân. Con số này của Ấn Độ là 130-140 đầu đạn.
Chương trình hạt nhân của Oakistan bắt đầu từ những năm 1950, trong giai đoạn đầu của mối quan hệ thù địch dai dẳng với Ấn Độ. Thổng thống Zulfikar Ali Bhutto năm 1965 từng tuyên bố nếu Ấn Độ có được bom hạt nhân, người dân Pakistan "sẵn sàng ăn cỏ, nhịn đói, để tự chế tạo bom" bảo vệ mình. Cuộc chạy đua hạt nhân tăng nhiệt vào những năm 1970 sau cuộc chiến tranh biên giới. Năm 1998, Ấn Độ thử đồng loạt sáu quả bom hạt nhân trong vòng ba ngày. Gần ba tuần sau đó, Pakistan thử nghiệm năm quả bom chỉ trong một ngày.
Năm 2015, theo báo cáo của quỹ nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment và Trung tâm Stimson, Pakistan đủ khả năng sản xuất khoảng 20 đầu đạn hạt nhân mỗi năm. Nước này đủ khả năng leo đến vị thế quốc gia có nhiều vũ khí hạt nhân thứ ba thế giới nếu tập hợp đủ nguồn lực.
Không chỉ nắm trong tay vũ khí hạt nhân nhiều thập niên qua, Pakistan sử dụng học thuyết hạt nhân cho phép tấn công phủ đầu. Nhiều chuyên gia quốc phòng lo ngại Islamabad sẵn sàng dùng vũ khí nghèo hạt nhân để bù đắp cho chênh lệch sức mạnh quân sự với Ấn Độ.
"Pakistan duy trì chiến lược phân quyền sử dụng vũ khí hạt nhân xuống các đơn vị cấp chiến thuật. Hoàn toàn có nguy cơ mất kiểm soát hạt nhân, khi những tư lệnh cấp thấp quyết định khai hỏa vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu thấy tình huống chiến sự đòi hỏi sử dụng", Peter Layton, cựu sĩ quan không quân Australia, hiện là nhà phân tích tại Viện Griffith Châu Á, nhận định.
Islamabad còn xây dựng mạng lưới vũ khí hạt nhân kiểu "đinh ba", với các đơn vị hạt nhân trải đều cả không quân, hải quân và lục quân. Mẫu chiến đấu cơ F-16A của Mỹ và Mirage của Pháp có thể đã đực cải tiến vào năm 1995 để chở đầu đạn hạt nhân. Pakistan cũng sở hữu một loạt tên lửa cơ động với tầm bắn đa dạng, từ Hatf - III (tầm ngắn dưới 300 km) đến Hatf - VI (tầm bắn gần 2.000 km). Bên cạnh đó, nước này cũng phát triển được tên lửa hành trình Babur cho hải quân, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
"Pakistan phát triển năng lực hạt nhân không chỉ đủ sức răn đe, mà còn đủ để thực hiện chiến tranh hạt nhân. Cả Pakistan và Ấn Độ đang chạy đua vũ trang hạt nhân, có khả năng tập hợp những khi vũ khí hạt nhân với mức hủy diệt lớn đến mức phi lý tương tự như thời chiến tranh lạnh", Kyle Mizokami, chuyên gia về quốc phòng, nhận định trên National Interest năm 2017.
Giới chuyên gia lo ngại đợt khủng hoảng tháng 2 vừa qua khiến cho hòa bình giữa Pakistan và Ấn Độ thêm mong manh, trong khi viễn cảnh chiến tranh hạt nhân dần trở nên khả thi.
Trong lịch sử quan hệ đầy sóng gió giữa hai quốc gia Nam Á, ba cuộc chiến tranh quy mô lớn đã nổ ra trước khi cả hai nước tuyên bố phát triển vũ khí hạt nhân thành công. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1971, ngày 26/2 là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Ấn Độ thực hiện một sứ mệnh không kích trên lãnh thổ Pakistan.
Chính phủ của Thủ tướng Imran Khan ngày 27/2 cũng phản ứng bằng cách triệu tập Bộ Tư lệnh Quốc gia, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vũ khí hạt nhân, như một biện pháp đe dọa. Sau đó là vụ đối đầu trên không giữa máy bay chiến đấu hai nước. Những diễn biến này này mở ra một giai đoạn leo thang mới đối cho xung đột tại Nam Á.
Theo Michael Kugelman, Ấn Độ và Pakistan sẽ có xu hướng tăng mức độ khiêu khích quân sự trong tương lai, với sự tự tin rằng với "chiếc ô hạt nhân" bên còn lại sẽ không dám phát động chiến tranh. Nhiều chuyên gia lo ngại lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục "đùa với lửa".
Trong suốt nhiều thập niên qua, Islamabad xem các nhóm vũ trang chống Ấn Độ là biện pháp để bù đắp cho thiếu hụt về sức mạnh quân sự nhưng vừa gây được sức ép cho Ấn độ trong tranh chấp lãnh thổ tại Kashmir. Mỗi lần trả đũa, Ấn Độ sẽ lại phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
"Chiếc ô" của Islamabad đã phát huy hiệu quả trong một thời gian dài. Trong đợt không kích trả đũa thủ bố năm 2016, Ấn Độ chỉ nhắm đến các mục tiêu bên trong khu vực Kashmir. Trước đó, trong lần cuộc xung đột Kargil năm 1999, New Delhi cũng chờ đến sáu tháng mới đáp trả. Những vụ khủng bố đẫm máu như tấn công tòa nhà quốc hội Ấn Độ năm 2001 hay đánh bom liên hoàn tại Mumbai khiến 150 người chết năm 2008 cũng không khiến New Delhi phát động chiến dịch quân sự trên đất Pakistan.
Tuy nhiên, Thủ tướng Imran Khan đang đối đầu với một chính phủ Ấn Độ thiên hữu. Thủ tướng Modi luôn thể hiện bản thân là nhà lãnh đạo sẵn sàng cho các quyết định quân sự cứng rắn và táo bạo. Ông cũng chịu sức ảnh hưởng rất lớn từ truyền thông và dư luận nước nhà.
Nhà lãnh đạo đảng Bharatiya Janata Party (BJP) cầm quyền lại đang đứng trước cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 4 tới, có khả năng quyết định đến chiếc ghế thủ tướng của mình. Việc sử dụng căng thẳng bên bờ vực xung đột với Pakistan như một lá bài vận động cử tri có thể là lựa chọn hấp dẫn nhà lãnh đạo Ấn Độ.
Về dài hạn, sự ổn định tại Nam Á sẽ phụ thuộc vào việc Pakistan chấm dứt ủng hộ các nhóm khủng bố, đặc biệt khi chiếc ô hạt nhân đang dần bị ngó lơ trong các tính toán chiến lược của ông Modi. "Pakistan phải chấp nhận viên thuốc đắng, chiến lược ủng hộ phiến quân và khủng bố Kashmir của họ trong 30 năm qua giờ đây đã phá sản", Husain Haqqani, chuyên gia tại Viện Hudson và là cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ, nhận định.
Những hoạt động phiến quân chỉ khiến Ấn Độ siết chặt giám sát và gây khó khăn thêm cho cuộc sống của người dân tại Kashmir. Trong khi đó, những đồng minh thân thiết của Pakistan trong thời gian qua như Trung Quốc, Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất chỉ kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng chứ không đề cập ủng hộ lập trường của Pakistan tại Kashmir.
Pakistan khó tiếp tục liên kết việc làm ngơ các nhóm phiến quân với người dân tại Kashmir để thu hút sự ủng hộ hay quan tâm của quốc tế. Việc sử dụng song song chiếc ô hạt nhân và lực lượng khủng bố trong các toan tính an ninh của mình với Ấn Độ cũng dần trở thành một canh bạc đầy rủi ro, ông Haqqani nhận định.
(Đồ hoạ: Như Ý).