Mạng xã hội là một công cụ kết nối tuyệt vời với người dùng và là mảnh đất sáng tạo đối với các nhà quảng cáo. Mỗi ngày có 3,5 tỉ người sử dụng mạng xã hội. Dù đó là kết nối với người thân, giải trí hay kinh doanh, mạng xã hội là các nền tảng vô cùng nhộn nhịp.
Tất nhiên, các nhà quảng cáo sớm nhận thấy tiềm năng này, đặc biệt là khi 73% người tiêu dùng cho biết quyết định mua hàng của họ chịu tác động từ mạng xã hội.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các khoản đầu tư trên toàn thế giới vào quảng cáo trực tuyến dự kiến sẽ tăng vọt lên 48 tỉ USD vào năm 2021.
Vì vậy, nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để tạo ra các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội thành công thì 4 ví dụ dưới đây có thể là bài học cho bạn.
Apple: #ShotoniPhone
Tập đoàn công nghệ Apple đang triển khai một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội nhằm tiếp thị dòng iPhone đình đám.
Chiến dịch bao gồm nhiều chiến thuật khác nhau như quảng cáo trực tuyến và ngoại tuyến, tạo nội dung gốc được quay trên loạt iPhone mới... Tuy nhiên, phần ấn tượng nhất của chiến dịch là cách Apple khai thác nội dung do người dùng tạo (UCG) trên Instagram.
Những người đóng góp nội dung chính là người dùng, người theo dõi hoặc người hâm mộ thương hiệu. Họ đăng các hình ảnh, video, bài viết trên blog hoặc mạng xã hội để hưởng ứng trào lưu do Apple khởi xướng.
Trong chiến dịch, Apple sử dụng hashtag #shotoniphone làm thông điệp quảng bá trên Instagram. Cho đến nay, họ đã có 12,9 triệu bài đăng từ người dùng, cũng chính là các bài PR thương hiệu đầy độc đáo mà Apple không phải trả một xu chi phí.
Âm hưởng của chiến dịch thậm chí đã sinh ra các hashtag mới từ những người muốn liên kết với thương hiệu như #iphoneography, #iphotography, #iphonephoto,...
Ngày nay, tận dụng nội dung do người dùng tạo đã trở thành chiến lược tiếp thị quen thuộc, bắt nguồn từ những tập đoàn lớn như Apple và Airbnb cho đến các start-up.
Loại nội dung này là cách thu hút đối tượng mục tiêu rất hiệu quả, khai thác sức mạnh của mạnh xã hội và nguồn nội dung tuyệt vời trong khi chỉ tận dụng tối thiểu các tài nguyên.
Ngoài ra, thương hiệu sẽ được tiếp xúc với quy mô đối tượng lớn hơn nhiều khi người dùng quảng cáo thương hiệu đến bạn bè của họ.
Theo thống kê của Oberlo, các bài đăng do người dùng tạo có lượng tương tác cao hơn 28% so với các bài đăng từ chính thương hiệu.
Chiến dịch #ShowUs của Dove
Trong hai thập kỉ, thương hiệu Dove đã tạo ra nhiều chiến dịch truyền thông xã hội tuyệt vời xung quanh các giá trị về vẻ đẹp tự nhiên và hình ảnh khỏe mạnh, tích cực.
Vào năm 2004, Dove khởi động chiến dịch đầu tiên trên mạng xã hội với hashtag #RealBeauty. Từ đó, thương hiệu đã tạo ra một cơn bão quan tâm và tiếp tục thực hiện nhiều chiến dịch tương tự. Thành công mới nhất của họ là dự án #ShowUS.
Sau khi phát hiện ra rằng 70 % phụ nữ không cảm thấy có ảnh hưởng trên truyền thông và quảng cáo, Dove hợp tác với Girlgaze, Getty Images cùng phụ nữ ở khắp mọi nơi để tạo ra một thư viện ảnh phá vỡ định kiến lạc hậu về cái đẹp.
Như Apple, Dove khai thác sức mạnh của UGC. Với 5.000 hình ảnh trên thư viện ảnh trực tuyến và gần 700.000 bài sử dụng hashtag trên Instagram, chiến dịch trở thành một trào lưu mới trên mạng.
Họ hiểu rằng giá trị lớn nhất của mạng xã hội là kết nối cá nhân. Doanh nghiệp có thể tạo mối quan hệ thân thiết với khách hàng mục tiêu bằng cách liên kết những giá trị chung của họ với thương hiệu.
Đây là một chiến thuật vô cùng hiệu quả bởi 77% người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng từ các thương hiệu có chung giá trị với họ.
Super Bowl Commercial của MoonPie
Nhà sản xuất bánh qui MoonPie đã tạo ra một quảng cáo độc đáo cho giải đấu 2020 Super Bowl sắp tới. Và điều thú vị là mẩu quảng cáo chỉ xuất hiện trên màn hình TV tại các trạm xăng.
Tuy nhiên, điều này không ngăn cản thương hiệu bánh qui quảng bá chiến dịch trên các mạng xã hội bằng sự độc đáo vốn có. Dưới đây là một ví dụ về sự lém lỉnh, vui vẻ và châm biếm của hãng.
Moonpie luôn nỗ lực duy trì thông điệp này trong mọi chiến dịch quảng cáo của họ, bao gồm cả phản hồi với người dùng và chiến lược ấy đã mang tới thành quả.
Một thông điệp thương hiệu độc đáo là yếu tố quan trọng nhất trong các chiến dịch truyền thông được lan truyền rộng rãi.
Nói cách khác, thương hiệu cần một tính cách đặc trưng đậm tinh thần xã hội bởi không ai muốn tương tác với các tập đoàn cứng nhắc.
Vậy người tiêu dùng mong muốn điều gì từ một thương hiệu? Theo nghiên cứu của Sprout Social, họ thích các thương hiệu thể hiện sự trung thực, thân thiện và hữu ích trên mạng xã hội thay vì các quảng cáo kêu gọi mua hàng nhàm chán.
Kênh ru ngủ của Casper
Cửa hàng nệm Casper đã tạo ra một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội để tiếp cận thị trường mục tiêu thông qua các playlist giúp người nghe ngủ ngon hơn.
Thương hiệu đã quảng bá các playlist trên trang Facebook dưới dạng ảnh GIF, âm thanh, truyện kể vào giờ ngủ để người dùng thư giãn và chìm vào giấc ngủ. Tất nhiên, họ cũng tận dụng các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram và Twitter để quảng bá.
Điều làm cho chiến dịch này trở nên độc đáo là thương hiệu không chỉ đăng các playlist lên YouTube và IGTV mà còn chia sẻ lên dịch vụ phát nhạc Spotify.
Casper đã tìm thấy một cách độc đáo để trở nên nổi bật giữa các đối thủ. Trong khi người dùng Facebook và Instagram đang chìm trong một biển thông điệp của các thương hiệu lớn thì chỉ có rất ít người hướng đến danh sách phát audio của Spotify hoặc podcast.
Vì vậy, hãy cố gắng tìm cách để làm mọi thứ theo cách khác. Đánh giá chiến lược của đối thủ cạnh tranh và tìm hiểu những thiếu sót của bản thân là cách làm chưa bao giờ lỗi thời.
Doanh nghiệp đã tận dụng tất cả các nền tảng có thể hay chưa? Đối thủ cạnh tranh của bạn đang bỏ sót một hình thức nội dung nào không? Doanh nghiệp có thể nghĩ ra một cách mới mẻ để kết nối với khách hàng mục tiêu của họ hay không?
Các chiến dịch truyền thông thực sự thành công trên mạng xã hội luôn đòi hỏi tính sáng tạo và độc đáo cao nhất có thể. Liệu doanh nghiệp đã sẵn sàng chưa?