"Việc buôn bán của tôi trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra khá suôn sẻ, phần lớn là nhờ việc giảm phí dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Tôi và khách hàng của tôi rất ấn tượng với chính sách hỗ trợ thiết thực này", chị Ngọc Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.
Không chỉ có chị Huyền là người cảm nhận được những lợi ích rõ rệt nhất từ việc ngân hàng giảm phí dịch vụ, trong thời gian qua và đến hết năm 2020 này, sẽ còn có rất nhiều khách hàng tiết giảm được chi phí.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 3 lần liên tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng.
Việc giảm phí dịch vụ ngân hàng trước hết khẳng định sự nỗ lực, chia sẻ của ngành Ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, góp phần thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến và hạn chế các giao dịch tại quầy, ngăn ngừa được sự lây lan của dịch bệnh. Hơn thế, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cũng dần được thay đổi.
Mặc dù vậy, việc triển khai các chương trình giảm phí cũng là lý do khiến các ngân hàng phải đối mặt với không ít khó khăn. Dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán đang sụt giảm mạnh, dẫn đến việc ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi – không có doanh thu từ phí thanh toán.
Trong khi đó, để triển khai dịch vụ, các ngân hàng phải chi trả các khoản chi phí cho việc đầu tư, nâng cấp công nghệ. Chi phí đầu tư cho mảng dịch vụ thẻ lại không hề nhỏ, từ các hạng mục hạ tầng hệ thống xử lý giao dịch thẻ cho tới hệ thống máy ATM, rồi cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM… cũng rất lớn.
Đặc biệt, ngân hàng chỉ là một bên trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Các khoản chi phí phải chi trả cho các đối tác hợp tác cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử cũng là một gánh nặng.
Đó là các loại phí như: phí chuyển trả trung gian thanh toán đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, phí tin nhắn phát sinh trong quá trình khách sử dụng dịch vụ của ngân hàng trả cho nhà mạng/ công ty cung cấp dịch vụ đầu số, phí ngân hàng phải trả cho các bên tham gia vào hoạt động thanh toán thẻ, chi phí xử lý giao dịch, phí bản quyền cho các Tổ chức thẻ quốc tế…
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện Visa và MasterCard đang áp dụng cơ chế thu phí phức tạp, thu nhiều loại phí đối với một loại giao dịch.
Theo thống kê trung bình, các ngân hàng thanh toán đang phải trải cho Visa, MasterCard từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch. Trong khi đó, mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế đối với các giao dịch trong nước đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.
Để đồng hành, hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, ngành ngân hàng rất cần sự chia sẻ và chung sức của các đối tác.
Điều này không chỉ giúp chia sẻ bớt gánh nặng cho các ngân hàng mà còn đem lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng và nền kinh tế.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng khẳng định, một khi người tiêu dùng thấy được lợi ích và duy trì thường xuyên thói quen thanh toán trực tuyến này, chắc chắn cả nền kinh tế vĩ mô cũng sẽ được hưởng lợi theo.
Mới đây, thay mặt các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước thông thường hoặc giảm ít nhất 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng.
Đồng thời, Hiệp hội cũng đang có kiến nghị với Visa và MasterCard, trước mắt cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam, hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam phát triển và hiệu quả hơn.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành. Đồng thời, áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với 1 giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng thu phí chồng phí, đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng trong việc dễ dàng theo dõi tình hình thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế. Ngoài ra, có chính sách phí ưu đãi đối với các giao dịch trong nước, giảm bớt mức phí để phù hợp với mức phí của tổ chức chuyển mạch thẻ.
Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, trên thị trường hiện nay, thẻ quốc tế mang thương hiệu Visa, MasterCard chiếm hơn 70%.
"Nếu Visa, MasterCard giảm phí thì các ngân hàng sẽ có điều kiện giảm phí cho các điểm chấp nhận thanh toán, thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cao động thái của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế cùng chung tay chia sẻ, miễn, giảm phí giao dịch cho ngân hàng và hỗ trợ cho khách hàng. Ông cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thanh toán sẽ giúp bù trừ vào việc giảm phí của Visa và MasterCard tại thị trường Việt Nam.