Bao giờ ô nhiễm không khí ở Hà Nội được cải thiện?

Tổng cục Môi trường cho biết, theo dự báo thời tiết, khoảng thứ 4 ngày 18/12 có thể có mưa. Điều này giúp ô nhiễm không khí có thể giảm.

IMG_9145

Vài ngày qua, Thủ đô Hà Nội mờ mịt sương, bụi. (Ảnh: Di Linh).

Tổng cục Môi trường vừa thông tin về tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội từ ngày 29/11 - 13/12/2019.

Cụ thể, Tổng cục cho biết, trong tuần này (từ ngày 7-13/12) mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12).

Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300).

Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay, nhìn chung, có xu hướng tăng.

Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, Tp Hồ Chí Minh đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép.

Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần.

Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Kết quả tính toán AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9-12/12, tại Việt Trì và Huế ,chất lượng không khí đã chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12, còn tại Hạ Long, Hồ Chí Minh, chất lượng không khí cũng ở mức kém.

Theo Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, từ ngày 7/12 đến 12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm.

Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, ĐSQ Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11/12 đến 12/12.

Kết quả tính toán AQI ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).

Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12.

Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém.

Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày.

"Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này", Tổng cục cho hay.

IMG_9207

Thứ 4 tuần này, dự báo thời tiết có thể có mưa. Điều này sẽ giúp tình trạng ô nhiễm không khí giảm bớt. (Ảnh: Di Linh).

Trong tuần (từ ngày 7/12 đến 13/12), chất lượng không khí đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, chỉ số AQI giờ đo được tại một số trạm ở Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.

Theo dự báo thời tiết, khoảng thứ 4 tuần sau (ngày 18/12) có thể có mưa, do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu.

Mọi người kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.

"Các số liệu quan trắc không khí của TP Hà Nội được đo tại 13 trạm quan trắc tự động, liên tục, trong đó 1 trạm của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, 10 trạm của TP Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Pháp (57 Trần Hưng Đạo) và 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ (19-21 Hai Bà Trưng)), đối với mỗi thành phố khác, chỉ có 1 trạm quan trắc không khí tự động liên tục", Tổng cục Môi trường cho biết thêm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.