Bão số 7 cận kề, học sinh được nghỉ học giúp gia đình 'cắt lúa chạy bão'

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 7 đang chuẩn bị tiến vào nước ta, một số địa phương đã lên kế hoạch cho các e học sinh nghỉ học, giúp gia đình thu hoạch lúa mùa để tránh bão. 

Trao đổi với phóng viên Việt Nam Mới, ông Đặng Phương Bắc – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết: “Trước những diễn biến được dự đoán rất khó lường của cơn bão số 7, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo và giao một số Sở ngành chủ động nhân lực để đối phó với bão. Sở GD&ĐT đã ra văn bản thông báo tới các đơn vị trực thuộc yêu cầu cho các em học sinh từ lớp 9 – 12 được nghỉ học để phụ giúp gia đình thu hoạch lúa và hoa màu trước khi bão vào”.

Nông dân Thái Bình đang tích cực thu hoạch lúa (Ảnh: Báo Thái Bình).

“Là một cơn bão mạnh và dự đoán nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thái Bình nên việc chủ động phòng chống bão là rất quan trọng. Ngay từ chiều qua (17/10) chúng tôi đã cho các em học sinh lớp 9 và THPT nghỉ học để gặt lúa giúp bố mẹ. Đến thời điểm chiều ngày 18/10, việc thu hoạch lúa và hoa màu vẫn đang được triển khai”, ông Bắc thông tin thêm.

Cũng theo vị Giám đốc Sở, riêng đối với cấp mầm non, tiểu học và THCS, lãnh đạo đơn vị sẽ phải theo dõi sát xao tình hình diễn biến của bão. Từ đó có phương án cho các em học sinh nghỉ học nếu phát sinh các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Thái Bình cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương kiểm tra công tác chằng chống nhà, cửa sổ, cửa kính tại trường học.

Được biết, đối với sản xuất nông nghiệp khi mới có trên 53.000 ha trong tổng số 80.370 ha diện tích lúa mùa đã thu hoạch (đạt hơn 65%) và hơn 22.600 ha diện tích cây vụ đông đã trồng, có khả năng bị ảnh hưởng của bão số 7.

Theo dự báo của Đài khí tượng tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 7 nên từ tối và đêm ngày 18/10 sẽ có mưa vừa, mưa to. Các địa phương ven biển như gió giật từ cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, giật cấp 10 – 11. Trong đất liền cũng có gió giật mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6 – 7, giật trên cấp 7.

Tương tự, tại Hải Phòng và Quảng Ninh – các địa phương được dự báo là nơi bão số 7 sẽ đổ bộ trực tiếp cũng đang khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó để hạn chế thiệt hại do bão.

Ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, Sở này đang khẩn trương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố và Công điện của Bộ GD&ĐT về công tác ứng phó, phòng chống cơn bão số 7.

“Tập trung cao nhất lực lượng ứng trực cùng với nhân dân để phòng chống ngập úng khi xảy ra mưa bão. Thực hiện chế độ trực ban nghiêm túc và có phương án chỉ đạo cho các em học sinh nghỉ học nếu có mưa bão xảy ra hoặc khi phát sinh tình huống nguy hiểm. Hiện lãnh đạo Thành phố đang tổ chức cuộc hợp khẩn cùng đại diện các Sở ban ngành để lập kế hoạch ứng phó với bão số 7”, ông Nguyễn Xuân Trường cho biết thêm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.