Bất cập làm bãi đỗ xe trong công viên: Tốn kém, lãng phí

Theo các chuyên gia, việc làm bãi xe ngầm sẽ rất tốn kém và có thể là lãng phí lớn về xây dựng và khai thác vận hành. Trong khi, nếu giảm được áp lực dân số nội đô bằng cách xây dựng đô thị vệ tinh như đúng quy hoạch thì Hà Nội sẽ giải được bài toán về bãi đỗ xe.
Bất cập làm bãi đỗ xe trong công viên: Tốn kém, lãng phí - Ảnh 1.

Quy hoạch nhiều bãi xe bị biến tướng

Bức xúc của người dân chung quanh Dự án bãi xe ngầm trong công viên Cầu Giấy không chỉ nằm ở việc "mập mờ" lấy ý kiến người dân, mà còn bởi trước đó chính khu đô thị Dịch Vọng đã bị điều chỉnh phá vỡ quy hoạch cũ gây áp lực giao thông, hạ tầng lên cả khu vực.

Ông Bùi Đình Tân, Phó Ban quản trị tòa nhà N04B2 (Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết: "Chính việc điều chỉnh quy hoạch quá nhiều đã khiến khu đô thị Dịch Vọng quá tải, hệ lụy là ùn tắc giao thông, rồi lại phải điều chỉnh quy hoạch để làm bãi xe trong công viên Cầu Giấy khiến cư dân bất bình".

Theo ông Tân, dự án Chung cư N04B1 và N04B2 có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2001. Trong đó quy định Khu đô thị mới Dịch Vọng có chiều cao xây dựng tối đa là 11 tầng. 

Các công trình nhà ở chung cư có bố trí kết hợp dịch vụ ở tầng 1 và tầng 2, tầng 1 phải có chiều cao tối thiểu là 4m. Khoảng cách giữa 2 đầu hồi công trình tối thiểu là 15m.

Thực tế hiện nay, chung cư N04B1 sát vào chung cư N04B2 (trong cùng 1 ô đất) với khoảng cách chỉ còn khoảng 5m. Chiều cao tòa nhà N04B1 cũng được nâng lên là 17 tầng, quá 6 tầng so với quy hoạch ban đầu.

Theo quy hoạch phường Dịch Vọng có 5 điểm thuộc bãi đỗ xe tĩnh, tuy nhiên ghi nhận của PV Tiền Phong, chỉ có 1 ô đất đã được làm bãi xe cao tầng và đưa vào sử dụng. Nhiều khu đất hiện nay đang biến tướng thành nhà hàng tạm bợ.

  Nhiều cư dân tòa N07B3 đề xuất: "Chính quyền địa phương cần làm hết những bãi đỗ xe trong quy hoạch rồi mới tính đến phương án làm bãi xe ngầm". Trong đó, người dân đề cập đến cả dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (phố Nguyễn Khánh Toàn) hàng nghìn mét vuông sử dụng sai mục đích nhưng đến nay vẫn chưa bị thu hồi.

Không chỉ tại quận Cầu Giấy, nhiều ô đất ở các vị trí "vàng" trên địa bàn Thủ đô cũng bị biến tướng. Tiêu biểu như ô quy hoạch bãi đỗ xe công cộng hơn 15.000m2 sàn tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) hiện nay đã mọc lên chung cư M5.

Cấp thiết giảm áp lực dân số nội đô

Trao đổi với PV Tiền Phong về dự án bãi đỗ xe ngầm, TS Trần Hữu Minh, chuyên gia GTVT, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: "Đây là phương án vô cùng tốn kém về mặt xã hội và có thể là một vòng lặp luẩn quẩn". 

Phương án đỗ xe ngầm đòi hỏi các chi phí lớn về xây dựng, khai thác vận hành. Cùng đó là các yêu cầu về thông gió, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, xử lý úng ngập... Bởi vậy, nếu so với phương án đỗ xe trên mặt đất, đỗ xe ngầm là phương án vô cùng tốn kém về mặt xã hội.

Ngoài ra, quy hoạch bãi xe ngầm phải có liên thông với các phương tiện vận tải công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, và giao thông phi cơ giới như các không gian đi bộ và đi xe đạp để giúp người dân di chuyển thuận tiện. Nếu một bãi đỗ xe ngầm rất lớn mà đỗ xe rồi lại phải đi lên mặt đất rồi lại đi xuống ga tàu điện ngầm hoặc đi rất xa mới tới ga đường sắt trung tâm thì không ổn.

Theo ông Minh, hiện nay Hà Nội có mật độ dân cư tập trung rất cao, như quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa mật độ có thể lên tới khoảng 40.000 người/km2. 

Nếu tính thêm số lượng người vãng lai (chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng một số cuộc điều tra khảo sát cho thấy số dân cư vãng lai có thể vào khoảng 40-50%) , có thể thấy khu vực nội đô Hà Nội là một trong những khu vực có mật độ dân cư cao nhất thế giới.

Với mật độ như vậy, không hạ tầng nào chịu nổi và ùn tắc giao thông là điều không thể tránh khỏi, do đó muốn giải bài toán ùn tắc giao thông kinh niên của Hà Nội thì có nhiều giải pháp nhưng căn cơ và quan trọng nhất là phải quy hoạch đô thị và sử dụng không gian cho phù hợp hơn. 

Đặc biệt, cần quyết tâm phát triển các đô thị vệ tinh, đưa các cơ sở sản xuất … ra khỏi nội đô", TS Trần Hữu Minh cho hay.

Cần thực hiện theo quy hoạch

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về Dự án bãi đỗ xe ngầm trong công viên Cầu Giấy, đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết: Dự án do nhà đầu tư đề xuất và đang trong giai đoạn nghiên cứu, lấy ý kiến dân cư trong khu vực. "Nếu đồng thuận sẽ làm cơ sở thực hiện các thủ tục về bổ sung quy hoạch, lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt", đại diện Sở này thông tin.

Như vậy, về nguyên tắc, tuy nhà đầu tư đề xuất nhưng UBND thành phố Hà Nội cũng đã tiếp nhận đề xuất này và giao cho các sở ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, thực hiện các thủ tục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu được thực hiện, sẽ có 14.500 m2 đất công viên Cầu Giấy được dành cho xây dựng bãi đỗ xe ngầm 3 tầng hầm.

Trong đó có 2 tầng để xe, một tầng làm thương mại, riêng phần mặt đất (mặt bằng công viên hiện nay) sẽ được bố trí xây dựng các công trình phụ trợ như nhà điều hành, thang thoát hiểm, cửa thông gió và nhà bảo vệ…

Về cơ bản, mặt bằng công viên Cầu Giấy tại đây sẽ được sử dụng chính cho bãi đỗ xe. Lo ngại dự án bãi đỗ xe sẽ "xẻ thịt", phá hỏng không gian công viên, những ngày qua người dân sống xung quanh công viên Cầu Giấy đã căng băng rôn phản đối dự án bãi xe tại đây.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trước việc thiếu bãi đỗ xe hiện nay, việc nghiên cứu để xây dựng các bãi đỗ xe nổi, ngầm là điều cần phải làm. Tuy nhiên, việc thành phố cần làm hiện nay là thực hiện nhanh chóng và nghiêm túc quy hoạch đã được duyệt. 11 bãi đỗ xe ngầm trong tổng số 75 dự án bãi đỗ xe trong quy hoạch vừa được HĐND thành phố thông qua năm 2018 hiện chưa có dự án nào được thực hiện thì cần tập trung hoàn thiện.

KTS Trần Trọng Hanh cũng cho rằng, trong khi quỹ đất giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh còn thiếu trầm trọng thì những vị trí đất di dời các trụ cở cơ quan, xí nghiệp, cần ưu tiên cho bãi đỗ xe. Nay các vị trí đất phục vụ giao thông lại chuyển cho tư nhân xây nhà cao tầng để bán thương mại thì thật sự khó hiểu, trong khi đó các dự án bãi đỗ xe ngầm lại cứ thi nhau chạy vào xà xẻo đất công viên thì người dân phản ứng, bức xúc là có cơ sở", ông Hanh đánh giá.

T.Đảng

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.