beGroup đã chiếm 20%-30% thị phần Việt Nam và tuyên bố 2021 có lãi

Ứng dụng Be khẳng định sẽ không làm siêu ứng dụng và cho rằng việc không tham gia vào cuộc chơi đốt tiền giúp công ty tiến gần đến mục tiêu có lãi.

Mục tiêu có lãi năm 2021

Theo TechInAsia, beGroup, công ty đằng sau ứng dụng gọi xe be đang trên đường hòa vốn và dự kiến sẽ có lãi trong năm 2021. 

Tính tới thời điểm hiện tại, be đạt mốc 9 triệu lượt tải xuống trên kho ứng dụng. Đội ngũ tài xế của công ty gồm 100.000 người và hoạt động ở mảng gọi xe hai bánh, bốn bánh và giao hàng.

Theo báo cáo của ABI Research ở nửa đầu năm 2019, be là ứng dụng gọi xe chiếm thị phần thứ hai tại Việt Nam (16%), xếp sau Grab.

Tại Đông Nam Á, hai kì lân Grab và Gojek vẫn đang thống trị thị trường gọi xe. Mới đây, Gojek vừa thống nhất thương hiệu tại nước ngoài, qua đó gia tăng nguồn lực cạnh tranh. Các công ty bản địa khác vẫn đang cố gắng để giành thị phần trong bối cảnh có những tin đồn sáp nhập giữa Grab và Gojek.

Ngoài việc khó thu hút vốn đầu tư, các ứng dụng Việt Nam còn vấp phải một thách thức khác đến từ chính người dân bản địa là tâm lí "sính ngoại".

"Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưa chuộng hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài", bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO beGroup trả lời phỏng vấn TechInAsia.

beGroup khẳng định không làm siêu ứng dụng, đã chiếm 20%-30% thị phần Việt Nam và tuyên bố 2021 có lãi - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO beGroup. (Ảnh: beGroup).

Cũng theo bà, nguyên nhân đến từ việc hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp bản địa thường có chất lượng thấp hơn.

Ngoài ra, các hãng gọi xe bản địa cũng có lượng tài xế thấp hơn so với các công ty đa quốc gia. Trong lần hợp nhất thương hiệu GoViet vào Gojek, CEO Phùng Tuấn Đức tiết lộ công ty hiện có 150.000 tài xế tại Việt Nam.

2020 cũng là một năm đầy biến động với thị trường gọi xe Việt Nam. Giai đoạn giãn cách xã hội khiến toàn bộ mảng gọi xe hai bánh tê liệt trong một khoảng thời gian. Chính phủ sau đó cũng ra thêm nhiều qui định và yêu cầu các hãng gọi xe công nghệ tuân thủ, tiêu biểu là Nghị định 10/2020 với tinh thần xóa nhòa khoảng cách giữa taxi truyền thống và xe công nghệ.

Bà Phương cho rằng, be hiện tại có một cách tiếp cận khác so với các đối thủ cạnh tranh.  Thay vì chạy theo cuộc đua siêu ứng dụng, be hiện đang xây dựng một nền tảng mở, trở thành một nhà cung cấp dịch vụ di động, cho phép người dùng lập kế hoạch,  thanh toán nhiều loại dịch vụ di động trên một nền tảng duy nhất.

 "Với nền tảng mở, chúng tôi đã, đang và sẽ bắt tay với các đối tác chiến lược khác, qua đó tạo ra thêm giá trị tới khách hàng", bà Phương nói.

Các đối tác chiến lược hiện tại của be gồm VinaTaxi (taxi truyền thống); EMDDI (nền tảng quản lí dịch vụ gọi xe cho các hãng taxi); Momo (ví điện tử) và Vexere (ứng dụng đặt vé xe bus). 

Nhờ các đối tác, beGroup không cần phải sử dụng nguồn lực từ bản thân, qua đó tránh phải chi tiêu quá nhiều, ảnh hưởng đến con đường tiến đến lợi nhuận của công ty. Ứng dụng be hiện không triển khai mảng giao đồ ăn vốn cực kì cạnh tranh tại Việt Nam. 

Xây dựng lòng trung thành

Theo beGroup, công ty hiện xây dựng một cơ sở khách hàng và tài xế tuy nhỉ nhưng trung thành. Đây là điều khác biệt giữa công ty và các ứng dụng cạnh tranh khác.

"be đang cân bằng lợi ích giữa các bên", bà Phương phát biểu.

beGroup khẳng định không làm siêu ứng dụng, đã chiếm 20%-30% thị phần Việt Nam và tuyên bố 2021 có lãi - Ảnh 2.

Ứng dụng be muốn cân bằng lợi ích giữa các bên. (Ảnh: beGroup).

Mặc dù cơn bão Covid-19 đã càn quét qua các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam nhưng CEO Hoàng Phương vẫn rất tự tin công ty có thể vượt qua khủng hoảng. Lí do là vì beGroup hiện đã tìm được thị trường ngách và không còn tham gia vào cuộc chơi đốt tiền.

Theo đó, mảng dịch vụ beShopping của công ty đạt tốc độ tăng trưởng 200%-300% theo tháng. Trong tương lai gần, beGroup còn dự kiến tung ra nền tảng dịch vụ tài chính.

Nữ CEO cũng khẳng định công ty hiện đã chiếm được 20%-30% thị phần gọi xe tại Việt Nam và đang trên đường tạo ra lợi nhuận.

"Chúng tôi sẽ trở thành một nền tảng di động kết hợp toàn bộ phương thức vận tải vào ứng dụng, qua đó cung cấp giải pháp toàn diện cho khách hàng", bà Phương nhấn mạnh.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.