Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Cần nhìn lại quy hoạch đô thị từ thực trạng ngập úng

Trước thực trạng đường phố Hà Nội ngập sâu sau mưa lớn, ảnh hưởng đến giao thông cũng như đời sống của người dân như hôm qua, sáng nay (30/5), bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về công tác quy hoạch đô thị từ kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, việc đường phố ngập sau mưa lớn ở Hà Nội có phải chỉ là tình trạng bất thường của thời tiết?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sự nóng lên toàn cầu thì cả thế giới biết rồi. Không chỉ ở Việt Nam đâu, cả những quốc gia có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu... Câu chuyện thời tiết bất thường, lượng mưa lớn, tập trung vào một điểm nhất định thì không có hạ tầng nào "chống chịu" được.

Chỉ có điều, chúng ta cần phân biệt vấn đề dị thường của thời tiết, mưa lớn cực đoan với vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề nhưng nguy cơ khiến các vùng đô thị ngập lụt là như nhau.

 

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

 

 

 

 

- Phóng viên: Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa Bộ trưởng? Nhất là Hà Nội, "cứ mưa là ngập" dường như là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng "nói mãi" mà vẫn chưa giải quyết được tình trạng này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi cho rằng phải nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị hiện nay. Mỗi một đô thị mang những đặc trưng riêng về địa hình, quan trọng nhất phải một hệ thống dự báo được tính cực đoan của khí hậu và thời tiết.

Hệ thống này cũng phải dự báo được số lượng dân cư ở các đô thị. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ngập úng ở vùng lõi đô thị. Và, câu chuyện dự báo này không chỉ mang tầm nhìn ngắn hạn mà mang tầm nhìn dài hạn từ 20 - 50 năm.

Thực tế, khi dân số tăng lên, kèm theo phải có hạ tầng; trong đó, phải tính toán hạ tầng tiêu thoát nước, bao gồm cả lượng nước mà con người sử dụng, lượng nước mưa trong trường hợp thời tiết cực đoan nên phải tính toán đồng bộ

- Phóng viên: Hà Nội có nên có một dự án chống ngập trong quy hoạch đô thị như Tp. Hồ Chí Minh không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hà Nội cần tăng cường dự báo, cũng như cần một dự án tổng thể; trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử và những số liệu hiện nay của thời tiết cực đoan. Cùng với đó là tính toán một cách kỹ càng trong tiếp cận khi thiết kế đô thị để làm sao đô thị chống chịu được với thời tiết cực đoan.

Theo đó, dự án tiếp cận một cách tổng thể xuất phát từ dự báo, quy hoạch, tính toán để làm hạ tầng có khả năng chống chịu, thích ứng, phù hợp; đồng thời, kết hợp áp dụng các giải pháp mang tính chủ động. Đơn cử, ở các nơi khi lũ lụt lên thì có khu vực để chứa nước như cánh đồng, sân vận động, bể chứa nước.., tạo ra một hệ thống hạ tầng chứa nước ở những khu ngập lụt lớn.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là đặt dự án trong thiết kế tổng thể làm thế nào để xây dựng được những đô thị có khả năng chống chịu được bền vững.

- Phóng viên: Xin cám ơn Bộ trưởng!

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.