Xe ôm truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ khi xe ông công nghệ phát triển. Thu nhập của những người chạy xe ôm giảm từ 30% tới 40%. Không thể cạnh tranh lại nhiều người nghĩ ra cách mua lại áo, mũ của đội xe ôm công nghệ để làm xe ôm công nghệ "nhái".
Xe ôm công nghệ "nhái" xuất hiện nhan nhản
Xe ôm công nghệ "nhái" với chiếc mũ Grab xuất hiện nhan nhản ở các bến xe. (Ảnh: Mạnh Cường) |
Gần các khu vực như bến xe hay các bệnh viện không khó để bắt gặp những xe ôm công nghệ "nửa vời". Đặc điểm nhiều khi rất dễ nhận dạng như chỉ có một chiếc mũ của xe ôm Grab, hay mặc chiếc áo GrabBike màu xanh hoặc tinh vi hơn họ trang bị đầy đủ cả áo, cả mũ nhìn không khác gì xe ôm công nghệ thực thụ.
Tuy nhiên những người này không sử dụng điện thoại và các ứng dụng để bắt khách mà họ chèo kéo khách và thoả thuận giá cả, hợp đồng đi xe bằng miệng. Đa phần họ đều là người đã lớn tuổi.
Bạn Dương Hoàng T, một xe ôm công nghệ hay hoạt động quanh khu vực bến xe Giáp Bát, cho biết: "Thời gian gần đây càng ngày càng nhiều người giải danh xe ôm công nghệ. Phần lớn họ đều là những người trước đây làm xe ôm truyền thống, sau đó mua lại áo và mũ từ những người làm xe ôm công nghệ để giả danh lấy niềm tin với khách hàng.
Những người này họ đều hoạ động tự do chứ không hề kí hợp động với những công ty công nghệ như GrabBike hay UberMoto. Nếu như ai hay đứng ở gần bến xe bắt khách thì có thể dễ dàng nhận những người như vậy".
Thường thì những xe ôm công nghệ hay đứng tập trung ở một vị trí riêng, cách xe khu vực cổng chính khoảng vài chục mét. Còn xe ôm truyền thống do đây là địa bàn của họ nên họ được đặc cách đứng ở những cổng chính, thậm chí vào tận trong bến để chèo kéo, bắt khách. Những xe ôm công nghệ "nhái" này cũng vậy, địa điểm hoạt động chính của họ là cổng chính và phía trong bến nơi mà xe ôm công nghệ không vào vì quy định không bắt khách, không chèo kéo mà chỉ được nhận khách qua ứng dụng trên điện thoại.
Dễ dàng mua bán quần áo, mũ của xe ôm công nghệ
Ông Trung Kiên, một xe ôm truyền thống lâu năm ở bến xe Mỹ Đình, tiết lộ: "Để mua được áo của cánh xe ôm công nghệ cũng không phải là khó lắm. Hiện nay nhiều xe ôm công nghệ sau khi bị khoá tài khoản hoặc thanh lý hợp đồng với bên công ty quản lý đem bán lại đồ nghề nhằm gỡ gạc lại chút nào hay chút ấy.
Xe ôm công nghệ bung phát khiến việc quản lý khó khăn. (Ảnh: Mạnh Cường) |
Ngoài ra, nhiều người rao bán trên mạng những bộ quần áo trông giống với quần áo của cánh xe ôm công nghệ nên việc mua bán diễn ra rất dễ dàng. Thậm chí, nhiều người dù vẫn đang hoạt động cho các công ty quản lý xe ôm công nghệ vẫn bán lại áo vì bí tiền". Nhiều đồng nghiệp của ông Kiên làm xe ôm truyền thống cũng đang sử dụng cách này để "sống nhờ" xe ôm công nghệ.
Bạn Dương Mạnh Hoàng, một xe ôm công nghệ cũng hoạt động ở khu vực bến xe Mỹ Đình, cho biết: "Nhiều người họ chỉ đăng kí vào và chạy đủ 10 chuyến xe để được cấp 3 chiếc áo và 2 chiếc mũ, nhưng sau đó họ nghỉ hoặc chỉ hoạt động cầm chừng cho có. Mục đích chính là họ có được mũ và áo của xe GrabBike hoặc UberMoto để tạo niềm tin với khách hàng. Thậm chí nhiều lái xe công nghệ "nhái" còn để xe chung với đội lái xe công nghệ thật, sau khi ra giá với khách hàng xong họ tới lấy xe đi".
Ông Kiên cũng cho biết giá để mua một món đồ của xe ông công nghệ không cao, nếu muốn dễ mua nhất là đồ của GrabBike vì nhiều người sử dụng hơn. Cụ thể giá mua một chiếc mũ có in logo Grab là 100.000 đồng, áo GrabBike có giá từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng một chiếc. Giá cả sẽ giao động tuỳ vào độ khan hiến của hàng.
"Việc giả làm xe ôm công nghệ dễ sống hơn, bắt khách cũng dễ hơn bởi lâu nay xe ôm truyền thống vốn bị lên án là giá cao, hay chặt chém. Nhưng nếu có áo, có mũ đồng phục nhiều người sẽ nghĩ đây là xe ôm công nghệ nên dễ dàng bắt khách và thoả thuận giá cả hơn.Tuy nhiên, tôi không đồng ý cách làm của họ bởi làm như vậy là lừa dối khách hàng, là không trung thực. Xe ôm truyền thống vốn dĩ đã mang lại hình ảnh không đẹp chính việc đó khiến cho xe ôm truyền thống khó sống ngay trên địa bàn của mình. Tuy nhiên nếu lừa dối khách hàng giả danh xe ôm công nghệ sẽ càng làm người khác có cái nhìn ác cảm về xe ôm truyền thống hơn mà thôi", ông Kiên khẳng định.