Báo chí vừa đưa tin về việc Bộ Xây dựng vừa có thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ tại khu chung cư CT1-CT2 khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 12 người này được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức nhưng khi nghỉ hưu, họ chưa trả lại nhà dù Bộ Xây dựng đã có 2 - 3 lần gửi thông báo.
Chiều 21/4, Bộ Xây dựng xác nhận đã gửi văn bản này. Zing đã liên hệ với một số cựu cán bộ liên quan để hỏi về lí do chưa trả nhà công vụ.
Bà B.T.Th., nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xác nhận bà vẫn đang thuê và ở căn nhà công vụ.
Theo bà Th., có thông tin những căn nhà công vụ xuống cấp, người thuê có thể được mua hóa giá nên có người chờ đợi. Tuy nhiên, bà không có ý định này vì trước đó đã mua căn hộ chung cư thương mại gần khu Ciputra.
Theo trần tình của bà Th., khu này được kí hợp đồng mua bán cuối năm 2018, kế hoạch giữa 2019 bàn giao nhưng thời điểm đó hạ tầng chưa có điện nước nên chưa thi công được nội thất. Vì quá sát Tết nên kế hoạch chuyển nhà của bà dời sang đầu năm 2020. Sau đó vì dịch bệnh nên bà chưa chuyển được nhà nên đã trao đổi với cán bộ của Cục Quản lí Nhà của Bộ Xây dựng.
“Nhà công vụ đó tôi thuê từ 2013, tiền thuê nhà và mọi chi phí dịch vụ đều chi trả bằng tiền cá nhân. Đó là khu nhà 9 tầng, nay đã cũ và xuống cấp rồi. Tôi đã mua nhà mới và sẵn sàng chuyển đi, chứ không có chuyện có nhà ở mới mà vẫn giữ lại nhà công vụ”, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ.
Bà cũng phản bác thông tin cho rằng Bộ Xây dựng đã gửi thông báo 2 - 3 lần nhưng cựu cán bộ không chịu trả nhà. “Nói như vậy là không đúng, là oan uổng cho người khác. Tôi chỉ nhận được thông báo một lần và sau đó cũng đã có trao đổi lại lí do chưa trả”, bà Th. nói và khẳng định “không biết ai có tư tưởng giữ nhà không nhưng tôi thì không. Tôi còn đang rất sốt ruột để có thể chuyển đến chỗ ở mới, trả lại nhà công vụ”.
Còn ông N.V.N. (cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết đã trả nhà rồi và tư tưởng là luôn sẵn sàng trả chứ “ai giữ nhà công vụ làm gì”.
Ông N. cho biết được thuê nhà công vụ trong 5 năm, thời hạn đến năm 2021 nhưng mới ở được hai năm. Khi ông về hưu, Nhà nước bảo trả nhà công vụ, ông cũng sẵn sàng trả chứ không có vấn đề gì.
Theo ông N., nhà công vụ được ông thuê với giá gần 2 triệu đồng/tháng, đó là khu trước đây Chính phủ mua cho những người luân chuyển ở địa phương về thuê để ở. “Thông báo thì mọi người trả, ai chưa trả được cũng đều có lí do, Bộ Xây dựng cũng cần xem xét”, ông N. nói.
Cũng là cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông T.V.L. cho biết đã bàn giao nhà công vụ từ tháng 6/2019 cho bên quản lí nhà. Đến nay, họ nói ông phải hoàn tất thủ tục thanh lí hợp đồng, cái đó ông chưa làm. “Tôi cũng đang bảo họ làm để tôi kí cho xong, còn nhà thì bàn giao xong hết rồi, chỉ còn vấn đề thủ tục thôi”, ông L. nói.
Theo ông L., việc nói 12 cựu quan chức chây ỳ, không chịu trả nhà là “nói quá” và việc Bộ Xây dựng nói gửi thông báo 2 - 3 lần là không đúng.
“Tôi nghỉ hưu từ tháng 10/2018. Đến đầu năm 2019, có văn bản của Bộ xây dựng yêu cầu trả nhà công vụ và ra hạn trả trước tháng 6/2019. Đến đúng tháng 6, tôi đã bàn giao trả nhà và đi ở nơi khác. Khi đó tôi chỉ bàn giao cho người trông coi chứ không biết phải hoàn thiện những thủ tục gì nữa”, cựu lãnh đạo này cho hay.
Ông L. nói sau đó người quản lí nhà điện nói có thông báo gửi đến nhưng vì khi đó nhà đã bàn giao nên ông không biết thông báo này.
“Đã là cán bộ như chúng tôi có tham lam gì chuyện đó đâu, hợp đồng nêu rõ hết thời hạn giữ chức vụ thì trả. Chúng tôi thực hiện chứ không vấn đề gì cả”, ông L. chia sẻ.
Còn ông H.S.Th. (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp) khẳng định cuối tuần tới sẽ trả vì còn phải dọn nhà. “Đây chỉ là nhà thuê, chúng tôi sẵn sàng trả chứ không có vấn đề gì cả”, ông Th. nói.
Theo danh sách của Bộ Xây dựng, 12 cựu quan chức không trả nhà công vụ đều từng đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc tương đương, trước khi về hưu công tác tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp)...