TAND quận 10 (TP HCM) đang thụ lí vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ, hợp tác của nguyên đơn là ông Nguyễn Thế Thiện (38 tuổi, ngụ Bình Dương) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab (trụ sở quận 10).
Theo đơn khởi kiện, ông Nguyễn Thế Thiện "tố" Grab tự ý gửi tin nhắn thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản Grab Car vì cho rằng tài xế đã vi phạm bộ quy tắc ứng xử Grab Car khi hủy cuốc xe hoặc yêu cầu khách hủy cuốc xe không có lí do hợp lí.
Trước đó Chi cục thuế TP HCM đã có buổi trao đổi với tài xế Grab liên quan vấn đề Grab thu hộ thuế. (Ảnh tư liệu).
Ông Thiện cho rằng việc Grab khóa tài khoản đột ngột là không phù hợp, ông yêu cầu phía công ty phải kết nối lại tài khoản của ông trên ứng dụng gọi xe để ông tiếp tục làm việc bình thuờng.
Bên cạnh đó, nguyên đơn buộc Grab bồi thường thiệt hại cho ông tạm tính 100 triệu đồng, được tính từ ngày ngưng ứng dụng (21/11/2018) đến khi kích hoạt lại tài khoản; yêu cầu Grab cung cấp hóa đơn chứng từ thể hiện Grab đã thu và đóng hộ thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT 3,6% trên doanh thu của ông.
Liên quan vấn đề này, phía Grab khẳng định trường hợp đối tác tài xế này có tỉ lệ hủy cuốc vượt quá quy định đã được 2 bên kí kết ban đầu (25%). Ngoài ra, với trường hợp của ông Thiện còn vi phạm các quy tắc nằm trong Bộ quy tắc ứng xử đã được phổ biến và cam kết ngay từ khi 2 bên bắt đầu hợp tác.
Grab cho rằng luôn tôn trọng tối đa quan hệ hợp tác với các đối tác. Song, để đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho hành khách, công ty cần phải áp dụng một số nguyên tắc nhất định, trong đó có việc dừng hợp tác vĩnh viễn với các tài xế vi phạm nhiều lần Bộ quy tắc ứng xử.
Trên thực tế, trong vận hành kết nối đặt xe qua ứng dụng, việc hủy cuốc vô tội vạ, thái độ phản ứng với khách kém văn minh với khách của ông Thiện là hành vi vi phạm quy tắc ứng xử của Grab. Đối tác tài xế chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không nghĩ đến lợi ích của khách hàng. Bởi trong trường hợp này khách có thể không có xe đi hoặc mất thời gian chờ đợi và lỡ công việc.
Là đơn vị trung gian kết nối, những nhà cung cấp ứng dụng đặt xe như Grab cũng cần tài xế để duy trì vận hành app. Tuy nhiên, nếu bỏ qua các quy tắc chung trong quản lí để làm vừa lòng các đối tác, bất chấp lợi ích người dùng thì là câu chuyện không thể thỏa hiệp. Vì thực tế, bên cạnh những "con sâu làm rầu nồi canh", vẫn có những tài xế không ngại mưa, nắng, không chê cuốc ngắn, chăm chỉ kiếm tiền tăng thu nhập của mình.
Theo Grab, quy tắc đặt ra là để kết nối hài hòa các mối quan hệ, các bên hợp tác. Cụ thể, vì sự an toàn của khách hàng và Grab cũng có những chương trình hỗ trợ doanh thu cho những cuốc xe ngắn.
"Tài xế hoàn toàn có thể chủ động tắt app ở những thời điểm cảm thấy không phù hợp như cao điểm, trời mưa... Nhưng nếu đã đồng ý bật app lên để chạy, tài xế phải tuân theo những quy định mà ngay từ ban đầu hai bên đã thỏa thuận, kí kết. Đó là cơ sở của việc hợp tác", phía Grab nhấn mạnh.
Từ đó, Grab cho rằng, khi tham gia vào bất kì hệ thống nào, các đối tác cũng cần tôn trọng "luật chơi" chung để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người. Bởi, một hệ thống lớn không thể vì một vài nhân tố mà tự đi ngược lại với lợi ích của rất nhiều người khác.