Chiều 6/9, Cục thuế TP HCM đã có buổi gặp mặt các tài xế GrabBike nhằm giải đáp về các vấn đề liên quan đến thuế. Tại buổi gặp gỡ này, ông Nguyễn Văn Thiện – Trưởng Phòng tuyên truyền Cục Thuế TP HCM chia sẻ: "Khẳng định với các anh chị là Grab được cơ quan thuế hướng dẫn từ xưa đến nay hoàn toàn theo luật chứ chúng ta không làm gì sai với luật cả.
Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa hợp lí, chưa phù hợp với thực tế thì nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay là lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến của anh chị, sau đó kiến nghị với Tổng cục thuế trình với Chính phủ để sửa luật phù hợp với thực tiễn".
Cục thuế TP HCM đã có buổi gặp gỡ với hàng trăm tài xế Grab. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Về phía đối tác tài xế GrabBike, ông Phạm Mi Sên cho rằng, việc họ nộp thuế từ năm ngoái đến năm nay là theo quy định pháp luật. Vì thế, dù có 100 buổi hội thảo hay các buổi trao đổi như thế này "mà vẫn chưa sửa thì vẫn vậy thôi".
Theo ông Sên, hồi đầu năm 2018, khi nhận được thông báo áp dụng thuế suất 1,5% thuế TNCN và 3% thuế VAT với tài xế đạt doanh thu 100 triệu đồng/năm, cơ quan thuế cũng có hứa sẽ ghi nhận ý kiến về những bất cập nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
"Nếu chúng ta không làm đơn kiến nghị thì đừng nói 2 năm nữa mới được sửa. Cho dù 5 năm đi nữa chúng tôi vẫn chấp nhận để gửi bản kiến nghị, chừng nào có kết quả thì thôi. Dù hành trình có dài thì chúng ta phải xuất phát từ những bước chân đầu tiên. Hôm nay, bản kiến nghị này là bước chân đầu tiên", ông Sên rành rọt trình bày.
Tại buổi đối thoại, nhiều tài xế cũng khẳng định sẵn sàng nộp thuế đầy đủ, nhưng cơ quan chức năng cần phải xem xét lại những điều bất cập. Họ cho rằng bản thân là các cá nhân, chứ không phải hộ kinh doanh nên việc không được giảm trừ gia cảnh là không công bằng.
Bên cạnh đó, hiện ngoài mức chiết khấu Công ty Grab thu 20%, họ phải trả thêm 4,5% thuế TNCN và VAT là quá cao, trong khi họ vẫn phải chịu mọi chi phí xăng xe, bảo trì, rủi ro trên đường, cạnh tranh ngày càng cao khi lực lượng đối tác tài xế xe máy tham gia ngày càng đông…
Lí giải về việc thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các tài xế hai bánh, Grab chỉ ra công văn ngày 8/2/2017 của Tổng Cục thuế về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Grab; công văn ngày 20/4/2017 về chính sách thuế TNCN đối với cá nhân tham gia mô hình hoạt động của dịch vụ xe hai bánh; công văn ngày 19/6/2017 và công văn ngày 11/1/2018 về chính sách thuế.
Theo đó, Grab cho rằng có đủ cơ sở pháp lí để được phép thu hộ thuế TNCN, GTGT cho các đối tác tài xế hai bánh. Cá nhân kinh doanh vận tải nộp thuế TNCN, GTGT theo tỉ lệ % trên doanh thu.
Cụ thể, tỉ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu từ cước phí vận tải được chia sẻ là 3%. Tỉ lệ % để tính thuế TNCN trên doanh thu từ cước phí vận tải được chia sẻ là 1,5%. Đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu cá nhân nộp thuế TNCN theo tỉ lệ 1% trên tiền thưởng.
Trước đó, ngày 26-27/8, nhiều tài xế tập trung đến văn phòng của Grab phản ảnh khi bị trừ thuế TNCN 60.000 đồng/ngày thông qua ví tài khoản, bất kể tài xế cho chạy xe hay không.
Trước phản ứng gay gắt của các đối tác, Grab thông báo ngừng thu thuế này đối với tài xế chưa đạt doanh thu 100 triệu đồng/năm chỉ sau một ngày triển khai.
Grab khẳng định, đây không phải chính sách từ doanh nghiệp này nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác. Theo đó, tính đến kì thuế tháng 5/2019, Grab và các tài xế đã đóng góp hơn 947 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước trong 5 năm qua.
Đồng thời, Grab cho biết đã nhiều lần nỗ lực gửi công văn, liên hệ cơ quan quản lí thuế để trao đổi nhằm xin điều chỉnh một chế tài thuế mềm mại hơn cho các đối tác tài xế của mình, bên cạnh việc kiên nhẫn giải thích và chịu không ít áp lực từ các đối tác.