Tài xế Grab có doanh thu trên 100 triệu phải đóng thuế, không được trừ chi phí xăng, giảm trừ gia cảnh

Theo Cục Thuế TP HCM, các cá nhân chạy xe công nghệ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên đều thuộc diện phải nộp thuế, và không được trừ chi phí xăng, bảo dưỡng, sửa chữa xe…

Tài xế xe công nghệ có doanh thu trên 100 triệu/năm phải nộp thuế

Liên quan việc đóng thuế của các tác tài xế ứng dụng gọi xe công nghệ, Cục Thuế TP HCM vừa lên tiếng làm rõ các thông tin liên quan đến trách nhiệm chịu thuế của các cá nhân có thu nhập này. 

grab-1-15618816538641045443489-crop-15618816706271357636480

Theo Cục Thuế TP HCM, các cá nhân chạy xe công nghệ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên đều thuộc diện phải nộp thuế. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo Cục Thuế TP HCM, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều thắc mắc của các cá nhân là tài xế Grab, về số thuế phải nộp khi nhận doanh thu được chia từ hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải với doanh nghiệp này.

Cục Thuế TP HCM cho biết ngưỡng doanh thu phải nộp thuế là doanh thu được chia từ hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải, cộng với doanh thu từ hoạt động kinh doanh khác (nếu có) đạt mức trên 100 triệu đồng/năm.

"Ví dụ, doanh thu dịch vụ vận tải được chia từ hợp đồng kí với Grab là 96 triệu đồng/năm. Ngoài ra, cá nhân được Grab thưởng trên doanh thu là 8 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu nhận được trong năm là 104 triệu đồng, thuộc diện phải nộp thuế", đại diện Cục Thuế TP HCM nêu rõ.

Số tiền thuế phải nộp là bao nhiêu?

Cục Thuế TP HCM cũng cho biết cụ thể các loại thuế phải nộp, gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, thuế giá trị gia tăng chiếm 3% doanh thu được hưởng và thuế thu nhập cá nhân chiếm 1,5% doanh thu được hưởng.

img6062-15620640043191758270557-2

Thuế GTGT chiếm 3% doanh thu và thuế TNCN chiếm 1,5% doanh thu tài xế được hưởng. (Ảnh: Phúc Minh).

Ví dụ: tài xế Grab có doanh thu 120 triệu đồng/năm thì số thuế phải nộp là 3,6 triệu đồng thuế giá trị gia tăng và 1,8 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân. 

Như vậy, tổng số thuế phải đóng trong năm là 5,2 triệu đồng.

Đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu: không tính thuế GTGT, thuế TNCN tính theo tỉ lệ 1% trên tiền thưởng. Đối với khoản chi trả tiền thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sao: không tính thuế GTGT, thuế TNCN 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

"Theo quy định thì số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân được tính trên doanh thu được hưởng nhân với tỉ lệ thuế nên cá nhân không được trừ chi phí xăng, bảo dưỡng xe, sửa chữa xe…", Cục Thuế TP HCM nêu.

Ngoài ra, đối với trường hợp là đối tác tài xế của các ứng dụng gọi xe công nghệ, Cục Thuế TP HCM cũng cho biết thu nhập của cá nhân trong trường hợp này không phải thu nhập tiền lương, tiền công nên khi tính thuế thu nhập cá nhân không được tính giảm trừ gia cảnh.

Grab có trách nhiệm khai và nộp thuế thay tài xế

Cục Thuế TP HCM cũng thông tin thêm về trách nhiệm khai nộp thuế, cấp chứng từ khấu trừ thuế cho các cá nhân thuộc trường hợp là đối tác của các ứng dụng gọi xe công nghệ.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1b Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, văn bản số 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017 của Tổng cục Thuế, văn bản số 11428/CT-TTHT ngày 23/11/2016 của Cục Thuế TP HCM, hướng dẫn cho trường hợp của Grab như sau:

Tổ chức hợp tác với cá nhân (như trường hợp Grab) có trách nhiệm khai và nộp thuế thay cho cá nhân.

Tổ chức hợp tác với cá nhân cấp chứng từ xác nhận số thuế đã khấu trừ khi các đối tác yêu cầu.

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.