Be ra mắt dịch vụ giao hàng, cước đắt hơn Grab, Go-Viet, nhưng khẳng định giành 30% thị phần vì bắt tay Lazada, Adayroi

Sau dịch vụ gọi xe, Be vừa ra mắt thêm dịch vụ giao nhận hàng hóa. Dù đi sau các “tay chơi” khác và có cước đắt hơn, nhưng CEO Trần Thanh Hải khẳng định sẽ giành được 30% thị phần giao vận nội địa vào năm sau.

Ứng dụng gọi xe Be ngày 5/8/2019 chính thức ra mắt 2 dịch vụ mới liên quan mảng giao nhận hàng hóa, là beExpress và beDelivery. Điểm khác nhau giữa 2 dịch vụ này nằm ở đối tượng hướng đến. Hãng cũng bắt tay với 2 đối tác lớn là sàn thương mại điện tử Lazada và Adayroi.

Be khẳng định giành 30% thị phần giao vận nội địa

Cụ thể, beExpress là dịch vụ chuyển phát, bưu chính dành cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Còn beDelivery là dịch vụ giao hàng dành cho người dùng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc đơn vị kinh doanh trực tuyến.

img6754-15622070464831824307550

Be vừa chính thức ra mắt dịch vụ giao nhận hàng hoá, giá cược đắt hơn các đối thủ Grab, Go-Viet, MyGo nhưng muốn giành 30% thị phần. (Ảnh: Phúc Minh).

Như vậy, sau gần 1 năm có mặt trên thị trường gọi xe công nghệ, ứng dụng Be của Be Group đã chính thức gia nhập mảng giao nhận hàng hóa.

Đáng chú ý, dù đi sau 2 "ông lớn" trên thị trường gọi xe công nghệ hiện nay là Grab và Go-Viet, hay Viettel Post vốn có thế mạnh trong mảng giao nhận cũng vừa nhảy vào cuộc chiến gọi xe, Be vẫn đặt ra mục tiêu rất cao.

"Đây cũng là hai dịch vụ mới giúp Be Group dần hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ mở. Chúng tôi đặt kì vọng đến năm 2020, dịch vụ giao vận của Be sẽ chiếm 30% thị phần trên toàn thị trường giao vận nội địa", Tổng giám đốc Be Group Trần Thanh Hải tuyên bố.

Sở dĩ mục tiêu 30% thị phần giao vận nội địa của Be được xem là quá cao bởi ngoài việc tuyên chiến với Grab, Go-Viet, MyGo, ứng dụng gọi xe của ông Trần Thanh Hải còn phải cạnh tranh với hàng loạt tay chơi lớn nhỏ khác có mặt trên thị trường, đang giành nhau gay gắt miếng bánh giao nhận hàng hóa.

Cước đắt hơn, Be lấy gì đấu với các hãng còn lại?

Thực tế, bên cạnh thị trường gọi xe công nghệ, thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang được đánh giá rất cao. Và đây là lí do Be tự tin khẳng định sẽ giữ được 30% thị phần. Mới gia nhập lĩnh vực beExpress, nhưng Be thông tin đã có 2 đối tác lớn là  sàn thương mại điện tử Lazada và Adayroi. 

Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cho biết quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 chỉ đạt 2,8 tỉ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mỗi năm lên đến 87%, cao thứ nhì khu vực, chỉ sau Indonesia với tốc độ 94%. 

Đến năm 2025, ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt đến 15 tỉ USD.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-05 lúc 21

Đến năm 2025, Việt Nam sẽ đứng thứ hai về quy mô thị trường thương mại điện tử trong khu vực. (Nguồn: Google và Temasek - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Nếu đạt con số này, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á. Kéo theo đó là nhu cầu về dịch vụ logictics, chuyển phát chặng cuối, giao nhận hàng hóa cũng tăng cao.

Đại diện Be cho biết sẽ tận dụng nguồn lực sẵn có khi tính đến nay, ứng dụng đã tiếp cận được 4 triệu khách hàng và có hơn 40.000 tài xế. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu 30% thị phần giao nhận hàng hóa vào năm 2020.

 Từ ngày 5/8/2019, dịch vụ giao hàng beDelivery đã bắt đầu phục vụ nhu khách hàng tại Hà Nội, TP HCM.

Các tỉnh thành Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ sẽ có thể sử dụng dịch vụ trong 2 tuần tới.

Đồng thời, để cạnh tranh được với các hãng khác, ứng dụng này cũng cam kết duy trì mức giá ổn định và không tăng trong giờ cao điểm để giữ khách hàng.

bepress_conferenceCEO_phat_bieu_3

CEO Trần Thanh Hải đặt mục tiêu Be có 30% thị phần giao vận vào năm sau. (Ảnh: Zing).

Tuy nhiên, tương tự mức cước của dịch vụ gọi xe, hiện cước phí mà Be đưa ra cho dịch vụ giao nhận hàng hóa có phần nhỉnh hơn các hãng khác từ 500-1.500 đồng mỗi km. Cụ thể, Be tính giá 14.500 đồng cho 2 km đầu tiên, mỗi km tiếp theo khách hàng sẽ trả thêm 5.500 đồng.

CEO Trần Thanh Hải từng khẳng định chiến lược của hãng này không phải tung ra thật nhiều chương trình khuyến mãi để "đốt tiền", mà lâu dài phải đảm bảo lợi ích cho người lao động, ở đây là tài xế và hướng đến chất lượng phục vụ khách hàng.

Trong một tiết lộ mới đây, ông Hải cũng cho biết thêm sẽ ra mắt luôn cả dịch vụ giao nhận thức ăn ngay trong quý III/2019, để mở rộng hệ sinh thái, tương tự các ứng dụng gọi xe công nghệ khác.