Mới đây, "ông lớn" trong lĩnh vực chuyển phát nhanh hàng hóa, bưu kiện Viettel Post đã chính thức tuyên bố gia nhập thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. Dù được đánh giá là một cuộc đua… đốt tiền, nhưng thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp từ nội đến ngoại đều tranh nhau giành giật "miếng bánh" hấp dẫn nhưng rất khó nuốt này.
Trong tuyên bố ra mắt, Viettel Post cho biết sẽ bắt đầu với dịch vụ phổ biến nhất là gọi xe và tận dụng nền tảng sẵn có để phát triển thêm vận chuyển hàng hóa, thậm chí gọi xe tải, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách.
Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, Grab gần như thâu tóm toàn bộ thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. (Ảnh: Phúc Minh).
Tính đến nay, Viettel Post là tay chơi mới nhất trên thị trường gọi xe công nghệ, mà nếu chỉ cần nhẩm tính cũng thấy rằng có đến hơn chục hãng đang cạnh tranh, so kè lẫn nhau.
Đặc biệt, cuộc đua này bắt đầu gay cấn kể từ khi Uber rút khỏi Việt Nam cũng như toàn bộ hoạt động tại khu vực Đông Nam Á vào tháng 4/2018. Các hãng gọi xe đã tranh thủ cơ hội chia miếng bánh chỉ còn lại "gã khổng lồ" Grab thâu tóm.
Nhanh chân ngay trong tháng 4/2018, khi Uber vừa tuyên bố "tháo chạy", hãng vận tải Phương Trang đã đầu tư 2.200 tỉ đồng vào một ứng dụng công nghệ còn non trẻ để cho ra mắt dịch vụ gọi xe VATO. Thời điểm đó, quyết định ra mắt ứng dụng VATO của Phương Trang khiến nhiều người bất ngờ, bởi Phương Trang hành động sớm hơn đến 1 tháng so với kế hoạch.
Thậm chí, ông Trần Thanh Nam - nhà sáng lập ứng dụng Vivu, tiền thân của VATO, cũng xác nhận rằng thương vụ giữa hai bên được đẩy sớm so với tiến độ, để tranh thủ khoảng trống mà Uber để lại.
Như vậy, VATO là ứng dụng Việt đầu tiên nhảy vào tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ sau khi Uber rút đi.
Ngay sau đó hai tháng, một ứng dụng Việt khác cũng tuyên bố gia nhập thị trường, là FastGo. Đây là ứng dụng trực thuộc Tập đoàn NextTech. Tuy nhiên, thời gian đầu, ứng dụng này chỉ tập trung vào nhóm khách hàng di chuyển bằng ôtô.
Mới đây, FastGo đã chính thức tuyên chiến ở mảng xe ôm công nghệ.
Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam bắt đầu sôi động kể từ khi Go-Jek của Indonesia gia nhập và đổi tên thành Go-Viet. (Ảnh: Phúc Minh).
Dù ra mắt sớm hơn nhưng cả hai ứng dụng Việt VATO và FastGo dường như không để lại nhiều dấu ấn. Thị trường gọi xe chỉ thực sự sôi động khi "gã khổng lồ" Go-Jek của Indonesia chính thức có mặt tại TP HCM vào tháng 8/2018.
Vào Việt Nam, "kì lân" này được đổi tên thành Go-Viet, và nhanh chóng được lòng khách hàng lẫn tài xế khi tung hàng loạt chương trình khuyến mãi chưa từng có.
Cuối năm 2018, thêm một ứng dụng Việt khác là Be chính thức tuyên chiến. Và đối thủ mạnh nhất mà Be xác định lúc bấy giờ chính là Grab và Go-Viet.
CEO một ứng dụng gọi xe ra mắt vào tháng 6 năm ngoái khẳng định thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam rất tiềm năng, nhất là ở thời điểm sau khi Uber tuyên bố đầu hàng. Vị này cho rằng điều đó đồng nghĩa khoảng trống mà Uber để lại rất lớn, nhất là khi nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng.
Vì vậy, các tay chơi nội và ngoại không thể ngồi yên nhìn Grab một mình một sân thâu tóm thị trường gọi xe Việt Nam. CEO này cho hay ngoài xe ôm công nghệ, các hãng vẫn còn rất nhiều đất tại Việt Nam, nếu am hiểu thị trường và đánh đúng tâm lí khách hàng.
Thực tế, nếu nhìn vào sự phát triển của các gã khổng lồ gọi xe, từ tuyên bố chỉ là trung gian giữa tài xế và khách hàng, hiện các ứng dụng này đã bành trướng ra những dịch vụ khác để tận dụng tối đa nguồn dữ liệu khổng lồ từ người dùng mang lại.
Song song với sự bành trướng và lớn mạnh của nhiều ứng dụng "anh cả", một loạt ứng dụng "đàn em" khác như Aber, TNet, Xelo… hay thậm chí một số ứng dụng ngoại cũng đang lăm le nhảy vào thị trường gọi xe tại Việt Nam.
Thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Đông Nam Á. (Nguồn: Google và Temasek - Đồ hoạ: Phúc Minh).
Báo cáo e-Conomy SEA do Google và Temasek công bố, cho biết quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á hiện đạt 8 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 39%. Lĩnh vực gọi xe trực tuyến trong báo cáo này gồm mảng gọi xe để di chuyển và gọi thức ăn.
Việt Nam thuộc nhóm đầu các nước có thị trường gọi xe trực tuyến hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
Năm 2015, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đạt 200 triệu USD, hiện đã đạt hơn 500 triệu USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 41%.
Dự báo của e-Conomy SEA cũng cho rằng đến năm 2025, thị trường gọi xe trực tuyến của Việt Nam tăng gấp 4 lần, cán mốc 2 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng của "miếng bánh" gọi xe tại Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia.
Vì vậy, đây có thể được xem là nguyên nhân khiến các các tay chơi nội lẫn ngoại đang cạnh tranh khốc liệt, đua nhau "đốt tiền" để giành lấy "miếng bánh" hấp dẫn này.