Vinasun 'tố' Grab vi phạm luật cạnh tranh, kiến nghị đưa vụ việc ra xem xét tại phiên điều trần công khai

Trong công văn kiến nghị xử lí vi phạm pháp luật cạnh tranh của Grab, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VINASUN Group) đã đề nghị Hội đồng cạnh tranh nhanh chóng đưa vụ việc vi phạm của Grab ra xem xét tại phiên điều trần và xử lí theo quy định.
Vinasun tố Grab vi phạm luật cạnh tranh, kiến nghị đưa vụ việc ra xem xét tại phiên điều trần công khai - Ảnh 1.

Công ty Ánh Dương Việt Nam cho rằng, sự chậm trễ trong việc xử lí vi phạm pháp luật cạnh tranh của Grab đang tạo điều kiện cho Grab tiếp tục thực hiện các hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường, hạn chế hoạt động của các đối thủ, tiếp tục các hành vi khuyến mại, trợ giá tràn lan để chiếm lĩnh thị trường. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong công văn kiến nghị này, trên cơ sở thông tin cụ thể về những diễn biến liên quan đến của vụ việc vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam cho rằng, hành vi tập trung kinh tế của Grab và Uber không chỉ là nguy cơ tiềm tàng, mà trên thực tế đã tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Nhờ có giao dịch, Grab đã thành công trong việc thâu tóm thị trường và công bố đang phục vụ 25% dân số Việt Nam.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Group) vừa có kiến nghị tới Hội đồng cạnh tranh về việc xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh của Grab.

“Việc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hệ thống lưu trữ, xử lí dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam và liên tục vi phạm pháp luật Việt Nam một cách có hệ thống như Grab được tiếp tục lũng đoạn thị trường trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm, như giao thông vận tải hay tài chính tiền tệ, đồng thời nắm giữ dữ liệu, bảo lưu quyền chuyển nhượng dữ liệu của 25% dân số cho bên thứ ba sẽ đặt ra những nguy cơ lớn không chỉ về kinh tế mà cả về vấn đề an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam nhận định.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam kiến nghị Hội đồng Cạnh tranh nhanh chóng đưa vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh của Grab ra xem xét tại phiên điều trần và xử lí theo quy định. Theo công ty, phiên điều trần cần được tổ chức công khai theo quy định tại Khoản 1 Điều 104 của Luật cạnh tranh để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao nhận thức nhân dân về tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, công bố công khai danh tính của 6 bên liên quan và cho phép các tổ chức, cá nhân này tham gia phiên điều trần.

"Nội dung xem xét tại phiên điều trần và quyết định xử lí cần xem xét đến thực tế tác động hạn  chế cạnh tranh của giao dịch áp dụng các biện pháp bổ sung, bao gồm cơ cấu lại doanh nghiệp; buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản; kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ và điều kiện giao dịch; và các biện pháp khác để ngăn chặn việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của Công ty Grab, bảo vệ môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh tại Việt Nam", Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam đề xuất.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam cũng kiến nghị Hội đồng Cạnh tranh phối hợp với cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự trong việc Uber và Grab có hành vi thỏa thuận phân chia thị trường, theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự.


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.