Báo cáo tài chính quí I/2019 Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - MCK: VNS) vừa công bố, cho thấy hãng taxi này đang kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều so với cùng kì năm ngoái, và nối tiếp đà phát triển của 3 quí cuối năm trước.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinasun đạt 534 tỉ đồng, cao hơn 45 tỉ đồng so với doanh thu cùng kì năm ngoái. Đóng góp chính cho nguồn doanh thu này đến từ dịch vụ cung cấp vận tải hành khách bằng taxi, với 462,8 tỉ đồng, chiếm 87%.
Lợi nhuận 3 tháng đầu năm 2019 của Vinasun tăng gấp 3 lần so với cùng kì. (Đồ họa: Phúc Huy).
Phần còn lại trong đóng góp doanh thu của Vinasun đến từ cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng, chiếm 66,4 tỉ và các dịch vụ khác chiếm 4,8 tỉ đồng.
Không chỉ tăng trưởng về doanh thu mà tỉ suất lợi nhuận gộp cũng tăng từ 17,7% lên 22%. Các chi phí tài chính, bán hàng và quản lí doanh nghiệp được tiết kiệm tối đa nên duy trì mức tương đương so với cùng kì năm ngoái.
Ngoài ra, hãng taxi giữ thị phần lớn tại TP HCM cũng có một số nguồn doanh thu khác đến từ thanh lí tài sản cố định và quảng cáo.
Cụ thể, doanh thu mang lại từ việc thanh lí tài sản của Vinasun đã giảm 3,5 lần so với quí I/2018, chỉ còn gần 6 tỉ đồng. Điều này cho thấy, so với áp lực vào đầu năm ngoái, khi Uber còn ở Việt Nam, Vinasun khá chật vật trong kinh doanh.
Trong vụ Vinasun kiện GrabTaxi đòi bồi thường 41 tỉ đồng, lãnh đạo hãng taxi này cho hay hàng nghìn người lao động của hãng mất việc và hàng trăm đầu xe phải nằm bãi vì sự cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe công nghệ.
Trong khi doanh thu từ thanh lí tài sản giảm thì thu nhập từ quảng cáo trên taxi tăng mạnh, ghi nhận đạt 14 tỉ đồng trong quí đầu năm, tăng 3,5% so với cùng kì.
Nhờ cắt giảm các chi phí, doanh thu thuần tăng khiến lợi nhuận Vinasun cũng tăng mạnh trong đầu năm 2019. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế tăng vọt gấp 3 lần, từ mức chỉ 11 tỉ lên 32 tỉ đồng, hoàn thành gần 1/3 kế hoạch của cả năm.
Tính đến cuối quí I/2019, hãng taxi Vinasun có tổng tài sản 2.647 tỉ, giảm nhẹ so với mức 2.720 tỷ đầu kì, tổng nợ giảm về 955 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu công ty là 1.692 tỉ đồng.
Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần Vinasun chỉ đạt 2.073 tỉ đồng, giảm gần 30% so với năm trước, xuống thấp nhất kể từ năm 2011. Lợi nhuận sau thuế thậm chí giảm hơn 50%, xuống còn 89 tỉ đồng, thấp nhất kể từ năm 2009.
Vinasun dự báo tình hình kinh doanh năm 2019 cũng không mấy khả quan do sự thay đổi của luật và sự cạnh tranh không lành mạnh.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, Vinasun sẽ trình đại hội một số điều kiện kinh doanh sẽ thay đổi trong năm tới, khi môi trường có nhiều biến động do các luật và quy định liên quan được sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, hãng cũng cho rằng thị trường taxi đang có sự cạnh tranh không lành mạnh và sự bất hợp lí về cơ chế pháp lí, làm ảnh hưởng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái, lần lượt đạt 2.140 tỉ và gần 100 tỉ đồng.
Tháng 6/2017, Vinasun khởi kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi), yêu cầu bồi thường 41 tỉ đồng vì GrabTaxi lợi dụng Đề án 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lí và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng", để thực hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.
Cụ thể, Vinasun cho rằng Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải, nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, áp dụng khuyến mãi tràn lan, khuyến mãi chồng khuyến mãi làm phá giá, vượt quá qui định của pháp luật Việt Nam.
Theo Vinasun, những vi phạm của Grab đã khiến công ty bị thiệt hại số tiền hơn 40 tỉ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.
Sau nhiều lần mở và hoãn để các bên trình chứng cứ chứng mình, cuối năm 2018, TAND TP HCM đã ra phán quyết cuối cùng. HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỉ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lí.
Nguyên nhân là HĐXX cho rằng dù xác định được thiệt hại của Vinasun do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường, nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác.