Dù không đưa ra số liệu cụ thể, nhưng nhiều người vẫn thừa nhận Grab chính là "gã khổng lồ" thực sự và đứng vị trí số 1 hiện nay tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. Trong cuộc chiến này, Grab có nhiều lợi thế khi có mặt sớm nhất, từ năm 2014, và được nhiều nhà đầu tư khủng rót vốn, thậm chí thâu tóm toàn bộ cả mảng hoạt động của đối thủ Uber tại Đông Nam Á.
Gã khổng lồ Grab đang bành trướng tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam ở tất cả dịch vụ. (Ảnh: Phúc Minh).
Trong một báo cáo do Google và Temasek công bố, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam sẽ cán mốc 2 tỉ USD vào năm 2025. Với con số hấp dẫn này, nhiều tay chơi từ ngoại đến nội như VATO, FastGo, Go-Viet, Be… cùng lúc nhảy vào chia miếng bánh thị phần, dù khắc nghiệt.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động của các ứng dụng gọi xe này hiện nay, dễ thấy việc vượt mặt Grab là điều khó có thể xảy ra.
Không còn thói quen sử dụng ứng dụng gọi xe Go-Viet đến cơ quan, anh Lê Huy (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết kể từ khi hãng này rút gần hết các chương trình khuyến mãi và phải chờ đợi lâu mới có tài xế nhận chuyến, anh đã chuyển sang một ứng dụng khác.
Trước đây, từ nhà đến cơ quan nằm tại quận 11, anh Huy chỉ phải trả 5.000 đồng cho mỗi chuyến đi của Go - Viet. Đây là chương trình đồng giá Go-Viet áp dụng ở thời điểm ra mắt, nhằm thu hút khách hàng. Sau thời gian này, Go-Viet vẫn tiếp tục có những ưu đãi rất đặc biệt cho khách, và giá cước luôn thấp hơn Grab.
Ra mắt vào tháng 8 năm ngoái, ứng dụng gọi xe Go-Viet của Go-Jek (Indonesia) chính là tay chơi được kì vọng sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh khiến Grab không còn giữ thế độc quyền, tăng giá vô tội vạ sau khi Uber rút lui.
Go-Viet đang tỏ ra đuối sức trong cuộc chiến gọi xe công nghệ. (Ảnh: Phúc Minh).
Thời điểm đó, hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn của Go-Viet được tung ra nên rất được lòng khách hàng và tài xế. Cục diện có phần hài hòa hơn, khi trên nhiều tuyến đường, áo đỏ của Go-Viet và áo xanh lá của Grab không còn quá chênh lệch.
Trước sự khởi đầu ấn tượng này, chỉ sau 1 tháng có mặt tại TP HCM, hãng tuyên bố nắm được 35% thị phần và chính thức tiến quân ra Hà Nội.
Tuy nhiên, kì vọng về một ứng dụng có khả năng đối trọng, kìm hãm sự bành trướng của Grab dường như đã bất thành, khi gần đây, Go-Viet dần tỏ ra đuối sức. Độ phủ của ứng dụng này trên thị trường gần như thưa thớt hơn nữa, khi hãng tuyên bố thu chiết khấu 20% với những cuốc xe của tài xế sau nửa năm hoạt động.
Kế hoạch chi khoảng 500 triệu USD cho 4 thị trường tại Đông Nam Á của Go-Jek, trong đó có Việt Nam, dường như đang cạn tiền. Nhiều chuyên gia cho rằng trong cuộc chiến gọi xe công nghệ, tiềm lực tài chính là rất quan trọng. Hãng nào đủ tiền để "đốt" đến cuối cùng thì sẽ là người chiến thắng.
Không riêng Go-Viet, nhiều ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng Việt, từng được kì vọng sẽ làm nên chuyện trong cuộc chiến gọi xe công nghệ. Tuy nhiên, hiện các ứng dụng này đều khá nhạt nhòa.
Hãng vận tải Phương Trang ra mắt ứng dụng sớm nhất, ngay từ thời điểm Uber rút khỏi Việt Nam. Theo tìm hiểu, dịch vụ gọi xe 2 bánh của hãng này hiện gần như mất hút trên thị trường.
VATO, FastGo dù ra mắt rất sớm kể từ sau Uber rút đi, nhưng vẫn không được nhiều khách hàng biết đến, sự hiện diện trên mặt phố rất hạn chế. (Ảnh: Phúc Minh).
Với dịch vụ gọi xe 4 bánh, VATO lại né khu vực trung tâm TP HCM với nhu cầu gọi xe rất cao, hãng nép về vùng ven như quận 2, 9, Bình Thạnh, Bình Tân. Có thể thấy, Phương Trang đang tận dụng nguồn khách hàng chủ yếu tại các bến xe nơi hãng đang phục vụ.
Trong khi đó, FastGo thì gần như theo đuổi một hướng đi hoàn toàn khác so với các hãng còn lại. Bên cạnh phát triển các dịch vụ cơ bản, gần đây, FastGo liên tục tấn công ra thị trường nước ngoài. Hiện hãng đã có mặt tại Myanmar và Singapore. Đồng thời, tiếp tục kì vọng sẽ mở rộng dịch vụ tại Thái Lan và Indonesia.
"Tôi quan tâm việc mở rộng ra những khu vực có thể đối mặt với sự cạnh tranh từ các ứng dụng đặt xe khác. Mỹ và Brazil sẽ là điểm đến tiếp theo của chúng tôi, bởi các nhà đầu tư và đối tác hiện tại của FastGo đến từ những quốc gia này", CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất nói với Nikkei.
Không chỉ "đánh bắt" ở loại hình vận tải đường bộ, tháng 4/2019, FastGo bất ngờ tung dịch vụ đi chung trực thăng khi kết hợp với một đơn vị khác. Mô hình này hết sức mới mẻ, ngay cả trên thế giới cũng chỉ mới áp dụng tại một số quốc gia.
Dù liên tiếp có những hướng đi mới mẻ, tuy nhiên, FastGo vẫn còn là cái tên xa lạ với khách hàng sử dụng các ứng dụng gọi xe công nghệ. Một trong những nguyên nhân có thể thấy là hãng này không có quá nhiều chương trình khuyến mãi gây sự chú ý cho khách hàng và tài xế. Trong khi đó, hãng đang mở rộng thị phần ra nước ngoài và các dịch vụ khá cao cấp, đồng nghĩa kén khách hàng.
"Sau đợt Grab tăng giá vô tội vạ hồi độc quyền năm ngoái, tôi chuyển qua đi các hãng khác. Go-Viet khuyến mãi nhiều thời gian đầu nhưng nay đã hiếm, tài xế cũng ít hơn. Vài tháng nay, tôi đã chuyển sang Be. Ngay từ đầu, ứng dụng này đã không giảm giá nhiều. Được cái, gần đây, tài xế nhận cuốc nhanh hơn nên tiết kiệm được thời gian", chị Mỹ Quỳnh (nhân viên văn phòng tại quận 1) cho biết.
Nhiều điểm tập trung của tài xế xe công nghệ tại các quận trung tâm TP HCM như trên đường Lý Tự Trọng, Lê Duẩn, hiện "áo vàng" của ứng dụng Be xuất hiện nhiều hơn xen kẽ màu xanh lá của Grab.
Be đang dần thay thế vị trí của Go-Viet trước đây khi xuất hiện ngày càng nhiều. (Ảnh: Phúc Minh).
Chính thức ra mắt thị trường từ cuối năm ngoái, dù được quảng bá rầm rộ, nhưng dường như tình hình hoạt động của Be vẫn không được khả quan. Tuy nhiên, ngược với các hãng khác, sau một thời gian, sự hiện diện của các tài xế áo vàng lại nhiều hơn.
Đặc biệt, sự vươn lên của ứng dụng Be diễn ra trong bối cảnh Go-Viet, hãng được kì vọng trở thành đối thủ của Grab, đang hụt hơi, nhất là khi dàn lãnh đạo cấp cao của Go-Viet có sự thay đổi.
"Đến nay, Be vẫn đi đúng với định hướng ban đầu kể từ khi ra mắt. Nếu so sánh, hoạt động của Be tại Hà Nội đang tốt hơn so với TP HCM. Quý III/2019, chúng tôi sẽ cho ra mắt tiếp dịch vụ giao nhận thức ăn và giao hàng", Tổng Giám đốc Be Group Trần Thanh Hải cho biết.
Theo ông Hải, khi gia nhập cuộc chiến xe công nghệ, các doanh nghiệp phải chấp nhận đốt vài nghìn tỉ để đầu tư. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng việc này không đồng nghĩa đổ tiền vào khuyến mãi, mà lâu dài, phải đảm bảo lợi ích cho người lao động, ở đây là tài xế.
Tại thời điểm ra mắt, Tổng giám đốc Be Group cũng khẳng định như vậy. Mới đây, Be còn tiếp tục củng cố chiến lược "lấy tài xế làm gốc" bằng việc tung gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho tài xế, trị giá đến 350 triệu. Trước đó, ứng dụng này đã có bảo hiểm tai nạn cho tài xế, đặc biệt bảo hiểm áp dụng cả trường hợp tài xế tắt ứng dụng Be.
Với định hướng đầu tư vào tài xế và sự phủ sóng gần đây của Be, hãy còn quá sớm để khẳng định ứng dụng này sẽ đứng được ở vị trí thứ hai trong "cuộc chiến" gọi xe công nghệ.
Đặc biệt, khi mới đây, MyGo của Viettel Post chính thức có mặt trên thị trường và tuyên bố sốc đã có hơn 100.000 tài xế đăng kí. Cục diện của cuộc chiến này có thể sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới.