Big C Việt Nam từng tạo được niềm tin cho doanh nghiệp Việt khi luôn có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Từ giữa năm 2017 đến nay, Central Group liên tục "đi săn" hàng Việt tại các hội nghị, chương trình kết nối, xúc tiến thương mại. Nhưng, bên cạnh đó, các nhà cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị này lại thường xuyên gặp khó khăn, chật vật với những yêu cầu giảm doanh thu, tăng chiết khấu
Hệ thống Big C Việt Nam bị Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan thâu tóm với tổng giá trị giao dịch 920 triệu euro (1,05 tỉ USD) vào tháng 4/2016. Điều khiến giới kinh doanh bất ngờ là vì tập đoàn này đã bán toàn bộ số cổ phần của mình tại Big C Thái Lan để thâu tóm Big C Việt Nam.
Theo Bangkok Post, ông Tos Chirathivat, Tổng giám đốc của Central Group, cho biết tập đoàn cho biết ý định tham gia vào mua Big C Việt Nam vì Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư chiến lược của tập đoàn này trong khu vực ASEAN.
Doanh thu của một số siêu thị Big C Việt Nam 3 năm gần đây. (Đồ họa: Tất Đạt).
Theo một số thông tin nhiên cứu thị trường, 7 năm trước, Big C từng nằm trong top 3 nhà bán lẻ của thị trường Việt Nam, với doanh thu trên 10.000 tỉ đồng một năm. Nhưng gần đây, nhất là từ khi về tay Central Group, tình hình kinh doanh liên tục xuống dốc.
Trong 2 năm 2017-2018, doanh thu của các siêu thị đồng loạt đi xuống. Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống, doanh thu chỉ giậm chân ở mức 2.700 tỉ đồng. Lợi nhuận của Big C Thăng Long giảm từ 211 tỉ đồng (năm 2015) xuống còn 131 tỉ đồng (năm 2016).Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng rơi xuống mức 1.300 tỉ trong năm 2017, giảm tới 50% so với năm 2012. Tại Big C An Lạc, lợi nhuận trước thuế vào năm 2015 đạt 184 tỉ đồng nhưng đến năm 2017 chỉ còn 92 tỉ đồng.
Ba chuỗi Big C Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai cũng không còn tăng trưởng nổi bật.
Tình hình kinh doanh của hệ thống Big C Việt Nam giảm sút sau khi Central Group thâu tóm là điều khá bất ngờ, trong bối cảnh ngành bán lẻ vẫn đang tăng trưởng tích cực. Trong năm 2017, doanh thu bán lẻ Việt Nam đạt 130 tỉ USD, tăng 10,6% so với năm 2016 và là con số kỉ lục từ trước tới nay.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt 11,9%/năm.
Big C về tay người Thái ngay lập tức dấy lên mối lo ngại cho tương lai trắc trở của hàng Việt trên sân nhà. Không chờ đợi lâu, một tuần sau thương vụ mua lại, trong tháng 4/2016, Big C đã "làm khó" hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt, khi đòi chiết khấu có mặt hàng lên đến 25%.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải gửi công văn về kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản thuộc CLB hàng nội địa VASEP, tới hệ thống Big C Việt Nam, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời giảm tổng mức chiết khấu xuống nhỏ hơn hoặc bằng 15%.
Không nhận được hồi đáp, các doanh nghiệp bị áp mức chiết khấu cao buộc phải "cầu cứu" Vinmart.
Về động thái này của Big C, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đánh giá: "Tôi không lạ với cách làm của Big C. Họ tuyên bố 80-90% hàng Việt Nam, tuy nhiên khi chuyển sang cho người Thái, tất nhiên họ sẽ tìm cách để đưa hàng hóa nước họ vào tiêu thụ, tăng chiết khấu là cách để ép doanh nghiệp trong nước".
Hàng Thái Lan ở Big C. (Ảnh: Zing).
Tháng 9/2016, Big C lại vướng vào lùm xùm buộc Thế Giới Di Động phải rút 22 cửa hàng khỏi hệ thống. Lí do được đại diện chuỗi cửa hàng điện thoại tiết lộ, là vì chủ sở hữu mới của Big C đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Đây sẽ là đơn vị kinh doanh "thay thế" Thế Giới Di Động trong hệ thống Big C.
Tháng 10/2017, Big C Việt Nam tuyên bố hạn chế bán sản phẩm mang thương hiệu riêng. Hệ thống này sở hữu 2 thương hiệu riêng ở Việt Nam gồm Big C và Wow. Có thời điểm 2 nhãn hàng này lên kệ đến 1.000 mặt hàng, gồm thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn, hóa mĩ phẩm, đồ dùng gia đình…Và các sản phẩm này được đặt hàng qua rất nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Khi đó, đại diện Big C Việt Nam chia sẻ nguyên nhân của việc giảm kinh doanh hàng nhãn riêng là để tập trung phát triển hàng Việt. BigC cam kết: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ phát triển thương hiệu riêng, hỗ trợ mặt bằng để trưng bày hàng hóa trong siêu thị, được ưu tiên để có thể tiếp cận người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, xây dựng kênh phân phối mới…".
Thế nhưng động thái này khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Central Group khó thoát khỏi nghi vấn viện cớ để đưa các sản phẩm từ Thái Lan lên kệ hệ thống siêu thị này. Phía Big C luôn khẳng định hàng Thái chỉ chiếm dưới 10% trong tổng số sản phẩm siêu thị kinh doanh, và chỉ tập trung vào những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt không có lợi thế.
Cuối năm 2018, một số doanh nghiệp Việt tiếp tục lên tiếng vì mức chiết khấu cao do Big C áp lên sản phẩm. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục mối nghi ngờ về việc hệ thống này đang tìm cách bảo hộ hàng Thái.
Thời điểm đó, bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group, cũng ra tuyên bố trấn an doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam: Hàng nội địa hiện chiếm đến 96% doanh số của hệ thống Big C. Hệ thống có những cân nhắc kĩ lưỡng để đạt được kết quả hai bên cùng có lợi, và theo đuổi chính sách giá rẻ cho người tiêu dùng.
Chiều ngày 3/7, nhiều công nhân và chủ các doanh nghiệp Việt Nam đã đến trụ sở của Tập đoàn Central Group tại quận Phú Nhuận, TP HCM, để làm rõ thông tin. (Ảnh: KTTD).
Mới nhất, hôm 2/7/2019, Central Group bất ngờ gửi thư đến các đối tác, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng nhập sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Thư thông báo này nêu rõ: "Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019".
Trong buổi trao đổi với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, khẳng định Tập đoàn chỉ dừng hợp đồng với doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam trong 2 tuần, để chuẩn bị tái cơ cấu mô hình kinh doanh cũng như xem lại tất cả vấn đề nội tại trong mảng kinh doanh thời trang. Việc này chỉ mang tính chất tạm thời, không phải dừng hay ngừng hợp đồng với tất cả đối tác.
Tuy nhiên, việc ra thông báo dừng mua, nhận hàng đã đặt một cách đột ngột chỉ trong vài giờ, khiến dư luận đặt dấu hỏi. Không phải chỉ là câu chuyện doanh nghiệp chịu thiệt, mà mối quan hệ đối tác với nhà cung cấp Việt đã không được tôn trọng.
Tiêu dùng 12:57 | 09/07/2019
Tiêu dùng 16:25 | 06/07/2019
Tiêu dùng 16:27 | 05/07/2019
Tiêu dùng 10:06 | 05/07/2019
Tiêu dùng 18:14 | 04/07/2019
Tiêu dùng 13:31 | 04/07/2019
Tiêu dùng 09:25 | 04/07/2019
Tiêu dùng 07:30 | 04/07/2019