Big C 'trở mặt', làm ăn thiếu tử tế?

"Dù Big C giải thích lí do nào đi nữa thì việc trở mặt rất nhanh chóng như thế gây đảo lộn nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt may là không được, nhưng các doanh nghiệp Việt cũng nên nhìn lại mình".

Sau khi Tập đoàn Central Group của Thái Lan (sở hữu chuỗi siêu thị Big C) gửi thư cho các đối tác tại Việt Nam thông báo tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam từ tháng 7/2019; trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng:

"Đó là sự làm ăn không tử tế. Dù Big C giải thích lí do nào đi nữa thì việc trở mặt rất nhanh chóng như thế gây đảo lộn đối với các doanh nghiệp với nhiều công nhân, tôi cho cái đó là không được".

Big C 'trở mặt', làm ăn thiếu tử tế? - Ảnh 1.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đánh giá việc BigC ngừng mua hàng may mặc Việt Nam là sự trở mặt nhanh chóng, làm ăn không tử tế. Gian hàng thời trang may mặc tịa BigC Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Diệu Thùy).

“Big C đã tuyên bố rất hùng hồn là mở cửa đón 90% hàng Việt Nam, nhưng ngày 2/7 đột ngột thông báo ngừng giao dịch với hàng may mặc, thậm chí là trả hàng về. Tôi cho đấy là chuyện động trời ở hệ thống siêu thị hiện đại mà đã được nhà nước ta quan tâm cấp địa điểm, bằng khen, giấy khen và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào đây”, ông Phú đánh giá.

Cùng với đó, vị chuyên gia này cho rằng: “Hành động của Big C là làm ăn không tử tế lắm. Sống ở trên đất nước Việt Nam được Nhà nước Việt Nam ưu ái mà đột ngột hành động như thế làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống, doanh số, lợi nhuận và ngừng trệ các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Rồi tới đây là những mặt hàng nào nữa mà Big C sẽ ngừng?”, ông Phú đặt câu hỏi.

Bởi theo ông, trước đây đã có tiền lệ khi Big C loại bỏ các nhà sản xuất nhãn hàng riêng, loại Thế Giới Di Động ra khỏi Big C; tăng chiết khấu với nhà cung ứng hàng Việt lên 20-30% khi đưa vào Big C… điều này để ép hàng Việt, khi đó hàng ngoại sẽ vào Big C…

“Sâu chuỗi lại để thấy Big C có quá trình làm việc không phải tử tế lắm. Các doanh nghiệp nước ngoài vào để tạo sức ép cạnh tranh cho siêu thị Việt nhưng phải làm ăn tử tế, có văn hóa”, ông Phú nói thêm.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng cho rằng cần phải sửa lại Luật cạnh tranh. Vì Luật đang rất chung chung khi có câu “Nhà bán lẻ không được từ chối những nhà cung ứng gửi hàng khi không có lý do chính đáng”.

Ông Phú yêu cầu phải làm rõ điều này. Thế nào là lí do chính đáng thì không giải thích cho nên doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để ép nhà cung ứng.

“Luật phải chỉnh sửa cho cụ thể và phải có cam kết khi đầu tư vào Việt Nam. Phải cạnh tranh bình đẳng, phải làm ăn minh bạch, công khai; không chuyển giá, trốn thuế và phải đối xử tử tế với các nhà cung ứng; nhất là nhà cung ứng Việt phải ưu tiên”, ông Phú nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải bình tĩnh xem xét lại chính mình.

“Phải liên kết và quan tâm đến thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước với 95 triệu dân. Ngoài Big C thì còn nhiều siêu thị khác thậm chí và cả các chợ dân sinh nữa”, ông Phú nói.

Doanh nghiệp dệt may cần tự đổi mới mình. Về thiết kế mẫu mã, trách nhiệm với người tiêu dùng, rất cần cải tiến.

“Nên tự xây dựng các tập đoàn bán lẻ Việt Nam; người của ta, sản vật của ta, đất ta chúng ta phải tự làm là chính, phải nhân rộng các mô hình làm ăn tử tế như Vinmart, Hapro, Sài Gòn Co.op… để có thể đủ sức dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam kết nối với sản xuất thành chuỗi để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam với chất lượng hàng hóa cao, giá cả hợp lí”, ông Phú nói thêm.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho hay, việc liên kết giữa sản xuất và phân phối của mình rất kém.

"Tôi được biết sản phẩm miến Việt muốn vào Lotte thì phải nộp mấy chục triệu chi phí trước khi vào, ngoài ra còn phải chiết khấu. Như thế việc đối xử với hàng Việt của một số siêu thị là không tử tế. Nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam không đạt yêu cầu, cái này Bộ ngành cần vào cuộc", ông nói.




chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.