Sau thương vụ thâu tóm toàn bộ mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3/2018, Grab nhanh chóng trở thành một "gã khổng lồ" thực sự và đứng vị trí số 1 tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một số tuyên bố và hoạt động gần đây, Grab đang cho thấy tham vọng của mình không chỉ dừng lại ở miếng bánh gọi xe mà đang có toan tính nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.
Đầu quân cho Grab được 2 năm nay, anh Quốc Bảo (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết chưa bao giờ anh chạy cùng lúc cho nhiều dịch vụ trên cùng một ứng dụng của Grab như hiện nay.
Grab đang là tay chơi "khổng lồ" tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Phúc Minh).
Ngoài việc chở khách, anh Bảo còn giao thức ăn, giao hàng hóa, nhận đơn từ các sàn thương mại điện tử. Mới đây, tài xế này còn kiêm luôn cả nhiệm vụ giao đồ siêu thị về tận nhà khách hàng, sau khi Grab bắt tay cùng hệ thống bán lẻ Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Đúng như chia sẻ của anh Bảo, Grab đang tỏ ra là người thắng thế ở cuộc chiến gọi xe công nghệ. Có mặt tại Việt Nam năm 2014, Grab đăng kí hoạt động dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ (theo hình thức xe hợp đồng điện tử) và thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hoà.
Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, Grab đã nhanh chóng thể hiện uy lực của mình, khi ngoài cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hãng đã nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái, thâu tóm tất cả dịch vụ liên quan vận chuyển. Những hoạt động này của Grab dường như càng dễ dàng hơn kể từ sau thời điểm Uber rút khỏi Việt Nam.
Trong một tiết lộ mới đây, đại diện Grab cũng cho biết hiện hãng có hơn 190.000 tài xế trên cả nước, thuộc đủ các hình thức vận chuyển. Tuy không cho biết nắm bao nhiêu thị phần gọi xe công nghệ, nhưng số lượng tài xế đối tác này thực tế là đây là một con số khổng lồ. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi màu áo xanh của các tài xế Grab phủ khắp các con đường tại TP HCM, và áp đảo so với các tay chơi khác.
Grab tuyên bố đang dẫn đầu ở mảng giao nhận thức ăn hiện nay. (Ảnh: Phúc Minh).
Riêng mảng giao nhận thức ăn, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim mới đây cũng vừa tuyên bố đang là đơn vị có mức tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Theo tính toán, số lượng đơn hàng bình quân hàng ngày đã tăng 250 lần so với thời điểm dịch vụ ra mắt hồi tháng 5 năm ngoái. Bất chấp nhiều thương hiệu khác chuyên về giao nhận thức ăn có mặt trước đó trên thị trường, Grab vẫn thể hiện được vị thế của mình với điểm mạnh về số lượng tài xế sở hữu.
Báo cáo e-Conomy SEA do Google và Temasek công bố, dự báo thị trường gọi xe trực tuyến, gồm mảng di chuyển và giao nhận thức ăn của Việt Nam sẽ cán mốc 2 tỉ USD vào năm 2025. Hiện Grab đang nắm "trùm" ở cả hai mảng này. Vì vậy, "gã khổng lồ" Grab đang toan tính cho những bước đi lớn hơn.
Thực tế, Grab đã công bố tham vọng trở thành một "siêu ứng dụng" từ rất sớm, ở thời điểm chính thức ra mắt dịch vụ GrabFood vào tháng 5/2018. Ông Jerry Lim cho biết: "Siêu ứng dụng' mới là mục tiêu của Grab trong tương lai, với hàng loạt các dịch vụ ngoài vận chuyển như thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ về tài chính".
Trước đó tại Việt Nam, Grab đã có dịch vụ GrabPay, hoạt động như một ví điện tử, dù chưa có giấy phép trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Việc cung ứng dịch vụ GrabPay là dịch vụ trung gian thanh toán thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Grab đã bị Ngân hàng Nhà nước tuýt còi, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, với mức phạt là 900 triệu đồng.
Grab bắt tay với Moca xây dựng ví điện tử cùng là lúc hãng tấn công ồ ạt vào các dịch vụ tài chính. (Ảnh: Grab).
Tháng 10/2018, Grab mới chính thức ra mắt ví điện tử mang tên GrabPay by Moca, sau khi mua lại hơn 3% cổ phần của Công ty dịch vụ và công nghệ Moca. Nhưng Việt Nam cũng không nằm ngoài tham vọng chung của Grab, bởi trước đó, "kì lân" này cũng đã chi gần 100 triệu USD để mua lại các nền tảng thanh toán tại Indonesia và Ấn Độ, để bắt đầu nhảy vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Để đẩy mạnh lĩnh vực này, Grab liên tục khuyến khích khách hàng sử dụng ví điện tử mới của hãng, với hàng loạt chương trình khuyến mãi "khủng". Khi sử dụng ví để thanh toán cho các dịch vụ, khách được giảm giá đến vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng trên mỗi đơn hàng so với trả tiền mặt.
Ngay sau ví điện tử, gã khổng lồ này đã bắt đầu với một số dịch vụ khác như thanh toán hóa đơn điện, nước hàng tháng, nạp thẻ điện thoại. Đây được xem là các tiện ích được rất nhiều khách hàng quan tâm hiện nay để tiết kiệm thời gian.
Đáng chú ý, đi cùng với việc phát triển ví điện tử, Grab đã nhiều lần đề xuất với Chính phủ cho phép nạp tiền vào ví điện tử, mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, nguyên tắc các ví điện tử bắt buộc phải liên kết với ngân hàng.
Như vậy, Grab đang muốn thay đổi điều kiện này.
Theo Grab, cho vay tiêu dùng là một mảng rất béo bở với khách hàng, tài xế và hãng hoàn toàn có lợi thế. (Ảnh: Phúc Minh).
Trước đề xuất của Grab, nhiều ý kiến cho rằng với việc không liên kết với tài khoản ngân hàng, dòng tiền sẽ tự do luân chuyển giữa các dịch vụ của Grab, mà không chịu sự quản lí, giám sát từ hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Đáng chú ý, Grab lại là một công ty đa quốc gia, nên việc quản lí lại càng khó khăn hơn, đặc biệt là rủi ro về hệ thống tài chính quốc gia. Điều này chưa kể việc xác định doanh thu, lợi nhuận và số tiền thuế Grab phải nộp hàng năm vào Ngân sách Nhà nước hiện nay còn mơ hồ và nhiều tranh cãi.
Tham vọng của Grab chưa dừng lại ở việc làm trung gian thanh toán, khi "gã khổng lồ" này còn muốn nhảy vào mảng tài chính, vốn là sân chơi của các ngân hàng.
Grab cho rằng đây là một miếng bánh rất màu mỡ, bởi hiện có hàng triệu người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Trong khi đó, các dịch vụ tài chính hoặc các khoản vay liên quan ngân hàng khá khó khăn về thủ tục, và Grab sẵn sàng nhảy vào cho vay trên nền tảng của mình.
Trong một cuộc trao đổi, đại diện Grab cho biết việc thẩm định và thực hiện các khoản vay một phần được thực hiện dựa trên hành vi của tài xế và khách hàng, khi họ sử dụng ứng dụng của Grab. Như vậy, Grab đang tận dụng triệt để nguồn tài nguyên khổng lồ là dữ liệu khách hàng để phát triển dịch vụ.
So với ngân hàng, thậm chí, Grab còn có nhiều ưu thế hơn khi nắm bắt được hành vi tiêu dùng thông qua một số dịch vụ hãng đang cung cấp trong cùng "siêu ứng dụng".
Mới đây, "gã khổng lồ" này cũng đã bất ngờ thay đổi điều kiện đăng kí kinh doanh, bổ sung một số ngành nghề, đáng chú ý là bất động sản và cổng thông tin điện tử.
Liệu Grab đang tiếp tục tính toán gì tại Việt Nam, khi ứng dụng đã vượt ra khỏi một nền tảng kết nối gọi xe trực tuyến và những đề nghị mới ở lĩnh vực thanh toán, tài chính có thể khiến gây khó cho cơ quan quản lí?