Ứng dụng gọi xe MyGo của Viettel vừa ra mắt đã bị Bộ Giao thông Vận tải nhắc nhở

Bộ Giao thông Vận tải nhắc nhở MyGo chỉ được phép triển khai xe hợp đồng dưới 9 chỗ khi có sự đồng ý của các địa phương. Bộ này cũng cho biết ủng hộ MyGo ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Hôm qua, ứng dụng gọi xe MyGo của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã chính thức gia nhập thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. Ngay thời điểm ra mắt, MyGo tuyên bố đã lập nên một kỉ lục mới về số lượng tài xế, vượt mốc 100.000 người, trong đó, có gần 98.000 xe máy, gần 7.300 ôtô và hơn 600 xe tải.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Viettel Post, liên quan đến việc doanh nghiệp này triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải, cụ thể là ứng dụng MyGo.

65647771_1115694911954036_6901763164770140160_n

Bộ GTVT yêu cầu MyGo chỉ được triển khai xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ khi có sự đồng ý của các địa phương. (Ảnh: MyGo).

Văn bản của Bộ GTVT cho biết đã nhận được đề án của Viettel Post và luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách. Trong đó, khuyến khích các đơn vị cung cấp phần mềm, doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông, việc này phải đáp ứng đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật về thương mại điện tử.

Cụ thể, Bộ yêu cầu Viettel Post chủ động phối hợp các đơn vị vận tải hành khách, vận tải hàng hóa triển khai ứng dụng phần mềm MyGo để điều hành hoạt động vận tải, nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thuận tiện cho hành khách.

Đặc biệt, Bộ GTVT nhấn mạnh việc kết nối xe hợp đồng dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản), là nội dung thuộc chương trình thí điểm theo Quyết định số 24/2016. 

Do đó, Viettel Post phải gửi đề án thí điểm đến địa phương trong Quyết định 24, như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, để có ý kiến chính thức bằng văn bản. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở ý kiến của các địa phương.

Như vậy theo chỉ đạo này, ứng dụng gọi xe MyGo của Viettel Post buộc phải có văn bản cho phép của các địa phương trước khi vận hành dịch vụ xe ôtô 4 chỗ.

Trả lời ICTnews, đại diện Viettel xác nhận thông tin này. Phía Viettel Post cho biết hiện đã được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động đối với dịch vụ xe 2 bánh trên toàn quốc. Riêng trường hợp xe hợp đồng dưới 9 chỗ, vị này cho biết đang trình và đợi được sự đồng ý triển khai của các địa phương, cùng cam kết chỉ triển khai khi được sự đồng ý của các địa phương này. 

Hiện Đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng của Quyết định số 24 đang có 14 doanh nghiệp tham gia, gồm: Grab, Be, VATO, FastGo, Go-Viet, Mai Linh…

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần thứ 9, Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ, Bộ tiếp tục giữ quan điểm quản lí xe hợp đồng (Grab, Go-viet, Be…) như xe taxi.

Theo đó, yêu cầu xe hợp đồng hay taxi đều phải có phù hiệu xe taxi dán cố định, đặc biệt có hộp đèn với chữ "TAXI", "XE HỢP ĐỒNG" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng cho rằng Nghị định đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng đều vấp phải nhiều phản ứng. Ông khẳng định dự thảo mới nhất gần như nhận được sự đồng thuận của nhiều người.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.