Tại cuộc họp giao ban trực tuyến quý III của Thành ủy Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã sáng 28/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, đã đến lúc chúng ta vận động người dân đồng thuận với việc hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội.
Theo ông Hoàng Trung Hải, Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng. Sức ép tăng trưởng dân số, hạ tầng còn nặng nề như vấn đề tắc đường, cấp nước, xử lý nước thải, xử lý rác thải… Nếu chúng ta không xử lý một cách quyết liệt sẽ gặp những bất cập về đô thị và gây ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội.
Ông Hoàng Trung Hải cho biết, chúng ta vẫn đang bàn các phương án quản lý phương tiện cá nhân phải đưa ra giải pháp thực sự để kiểm tra.
Ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Đã đến lúc thành phố tính đến chuyện vận động người dân đồng thuận với việc xe ngày chẵn ngày lẻ, đỗ bên chẵn bên lẻ, kiểm soát các phương tiện cá nhân, không chỉ xe máy mà cả ô tô. Nếu không chúng ta không thể đáp ứng được cho một đô thị lớn và đang tăng trưởng rất nhanh”.
Bí thư Hà Nội dẫn chứng vụ tắc đường ở cầu Tó 2 tiếng vừa qua là một ví dụ rất điển hình. Nếu thành phố không quyết liệt có thể tắc đường đến 3,4 tiếng.
Tại hội nghị trực tuyến sáng 28/9. |
Đề cập đến vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Hoàng Trung Hải cho hay, công tác GPMB trước hết là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và cùng nhau vào cuộc, tăng cường công tác công khai minh bạch. GPMB giai đoạn 2016 - 2020 gấp đôi giai đoạn trước, do vậy nếu không có phương pháp mới, cách tiếp cận mới là thất bại.
"Kế hoạch của giai đoạn trước là 3.000 dự án, mà chỉ thực hiện được 1.711 dự án. Kế hoạch lần này là 2.700 dự án, số người phải tái định cư là 1.900 hộ (so với 9.900 hộ giai đoạn trước) để thấy thách thức giai đoạn này gấp đôi. Trong khi đó ngân sách trong 5 năm tới là khó khăn hơn nhiều, chúng ta phải dành nguồn vốn để hỗ trợ TƯ", ông Hoàng Trung Hải nói.
Theo ông Hoàng Trung Hải, các dự án phải nghiên cứu kỹ càng hơn, làm thế nào để hạn chế GPMB. "Có những ông thiết kế tư vấn ngồi trong phòng vẽ ra một tuyến đường lao toàn qua khu dân cư, nhà người ta. Những chỗ đường quang không đi toàn đâm vào bụi rậm làm gì không chết. Như vậy, làm sao GPMB được".
Ông Hoàng Trung Hải cho hay, nếu Thành phố không quyết tâm, quyết liệt là gay go. Cho rằng, 5 năm trước khi đầu tư như vậy, tăng trưởng 9,23% nhưng hạ tầng chỉ tăng 3,4%, ông cho biết đây là vấn đề hết sức nguy hiểm.
Trong khi đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, để tạo đột phá trong công tác cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và nâng cao hiệu quả công tác GPMB, Thành ủy Hà Nội vừa ban hành 2 Chỉ thị, Nghị quyết đặc biệt quan trọng liên quan đến 2 công tác này là Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 08. Đến nay, các quận/ huyện/ thị xã đều đã khẩn trương lên kế hoạch và tích cực triển khai.
Theo Thu Thủy
VOV