Bí thư Nhân: Năng suất lao động cao, người TP HCM nên giảm giờ làm

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năng suất lao động của TP HCM đã tăng cao thì người lao động nên giảm giờ làm để có thời gian cho gia đình.

Mặc dù có dân số cao nhất cả nước, những năm qua, mức sinh ở TP HCM rất thấp. Trung bình mỗi năm, một phụ nữ tại TP HCM sinh 1,4 con, mức sinh thay thế là 2,1 con và có khả năng tiếp tục giảm sâu.

Bí thư Thành Ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định để thành phố tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế, mức độ tăng trưởng dân số phải tăng tương xứng để tạo ra nguồn lao động.

"Chúng ta cần nghiên cứu lí do TP HCM có tỉ suất sinh con thấp, đến năm 2030, thành phố cần đạt tỉ suất sinh 1,6 con", Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Sinh ít vì thời gian làm việc nhiều

Tại dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM công bố ngày 28/12, Thành ủy TP HCM đề cập tới một mục tiêu mới cần đạt được là đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, gia đình hạnh phúc.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian làm việc quá nhiều có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình, và dẫn tới hệ lụy trong việc phát triển lao động cho nền kinh tế.

Bí thư Nhân: Năng suất lao động cao, người TP HCM nên giảm giờ làm - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại buổi công bố báo cáo chính trị. (Ảnh: Trương Khởi).

"Nơi nào người dân không đẻ đúng, không đẻ đủ thì nơi đó gia đình chưa làm đúng vai trò đối với xã hội và các gia đình đang gặp vấn đề. Việc gia tăng dân số, gia tăng lao động góp phần quan trọng để TP HCM giữ vững nhịp phát triển kinh tế", người đứng đầu Đảng bộ TP HCM nhìn nhận.

Ông Nhân thông tin do có tỉ suất sinh thấp, Nhật Bản vừa ban hành luật không làm quá 52 giờ mỗi tuần, nhiều nơi tắt đèn sau giờ làm để tránh nhân viên làm quá giờ. Singapore cũng là một ví dụ điển hình về một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng người dân lười sinh con.

"Cách đây 2 năm, người lao động TP HCM làm trung bình 54 giờ mỗi tuần, nhiều hơn thời gian trung bình cả nước 10 giờ. Với thời gian như vậy thì không thể có thời gian cho gia đình", Bí thư Nhân khẳng định.

Để đạt được mục tiêu phát triển gia đình hạnh phúc, lãnh đạo Thành ủy TP HCM đề nghị cần có biện pháp để vận động người dân không làm việc quá nhiều thời gian. Ông cho rằng năng suất lao động của TP HCM đã tăng cao thì người lao động nên giảm giờ làm để có thời gian cho gia đình.

Không hiển nhiên TP HCM giữ được tăng trưởng

"Trong nhiều năm gần đây, kinh tế TP HCM luôn tăng trưởng khá và ổn định. Trong tổng kết hàng năm, điệp khúc này lặp đi lặp lại như một điều hiển nhiên, nhưng không hiển nhiên chút nào", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Mỗi 5 năm, dân số TP HCM tăng 1 triệu người, sự gia tăng đó kéo theo 1 triệu chỗ ở cần đáp ứng, 1 triệu phương tiện cá nhân gây áp lực cho hạ tầng giao thông. Do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ, thành phố đối mặt với vấn nạn kẹt xe khiến lưu thông hàng hóa giảm, nhà đầu tư quay lưng và kinh tế đứng trước nhiều nguy cơ tuột dốc.

Bí thư Nhân: Năng suất lao động cao, người TP HCM nên giảm giờ làm - Ảnh 2.

Việc gia tăng dân số gây áp lực cho hạ tầng giao thông TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Bên cạnh đó, TP HCM cần tăng lượng nước sinh hoạt cho 1 triệu người trong 5 năm, mỗi ngày cần tìm hướng xử lí cho 9.000 tấn rác thải. Các vấn đề an sinh xã hội như trường học, bệnh viện cũng cần đủ sức gánh vác cho số dân gia tăng tương đương với 1 tỉnh sau mỗi 5 năm.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết để giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố đã có sự nỗ lực lớn để vượt qua những trở ngại trên.

Bí thư Thành ủy TP HCM cũng nêu ra bất cập trong việc phân bổ nguồn lực và ngân sách khi thành phố chỉ được giữ 18% tổng thu ngân sách trên địa bàn.

"Với việc đóng góp ngân sách Nhà nước với 27% tổng thu nhưng chỉ được giữ lại 18% ngân sách, tương đương 5% ngân sách cả nước, là rất bất hợp lí", ông Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

Để tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM, các sở, ngành của TP HCM đang chuẩn bị hoàn thiện đề án lộ trình đề nghị tăng ngân sách giữ lại. Dự kiến, trong quý II/2020, TP HCM sẽ trình bản đề án lên Bộ Chính trị, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội tại kì họp tháng 10 năm sau.

"Thành phố đã thống nhất với Ban Kinh tế Trung ương, năm 2003 chúng ta được giữ lại 33%, trong 10 năm tới chưa biết có thể quay lại con số này hay không, nhưng phải tăng so với 18% hiện tại", người đứng đầu Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.

Tại dự thảo lần 1 báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM công bố ngày 28/12, Thành ủy TP HCM đưa ra 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm, với 54 nội dung cần thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 gồm:

1. Chương trình đột phá đổi mới quản lí TP HCM.

2. Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP HCM.

3. Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP HCM.

4. Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lục TP HCM.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.