Bình Thuận thúc GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Bình Thuận có 2.650 hộ dân và 34 tổ chức bị ảnh hưởng bởi Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại và giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân phải hoàn thành khối lượng còn lại và giải quyết các vướng mắc, tồn tại, trong đó có 24 hộ chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Bình Thuận dứt điểm GPMB Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa bàn  - Ảnh 1.

Bình Thuận chỉ đạo sớm hoàn thành việc GPMB để đảm bảo tiến độ thực hiện cao tốc. (Ảnh: Khải An).

"Trường hợp đã vận dụng đầy đủ chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định, các hộ vẫn không chấp hành thì UBND các huyện cũng cố hồ sơ để triển khai các bước tiếp theo đúng quy định. Phấn đấu hoàn thành trong trước ngày 25/6/2021", văn bản nêu rõ.

Đối với 47 hộ, hai tổ chức đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa đồng ý cho thi công và 5 mộ chưa di dời, Chủ tịch tỉnh này yêu cầu UBND các huyện giải quyết dứt điểm trước ngày 15/6/2021 để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Trường hợp cần thiết, UBND các huyện chỉ đạo các lực lượng tổ chức bảo vệ thi công.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao Sở TNMT tỉnh này căn cứ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh khẩn trương chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan giải quyết các kiến nghị của UBND các huyện.

Đồng thời sớm xem xét, trình Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh xem xét giải quyết hồ sơ điều chỉnh hệ số giá đất dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn huyện Hàm Tân (đối với đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư tiếp giáp tuyến đường QL.55 và ĐT.720) khi nhận được báo cáo của UBND huyện Hàm Tân trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bình Thuận dứt điểm GPMB Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa bàn  - Ảnh 2.

Dự án đang vướng một số công trình truyền tải điện. (Ảnh: Khải An).

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp cho dự án, Sở TNMT, Tổ công tác liên ngành căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản trước đây khẩn trương triển khai thực hiện, trong đó lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép khai thác đối với các mỏ theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Thuận, tiếp tục chỉ đạo Điện lực các huyện phối hợp với UBND các huyện trong việc sắp xếp lịch cắt điện cho phù hợp, nhằm phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật điện, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng dự án cho các nhà thầu thi công.

Liện quan đến Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, toàn tỉnh Bình Thuận có 2.650 hộ dân và 34 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án.

Trong đó đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo 45 hộ và 4 tổ chức; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết 1.962 hộ và 16 tổ chức; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây 643 hộ và 14 tổ chức.

Diện tích đất giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn tỉnh là 1.221,5 ha. Trong đó, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo 80,7 ha; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết 775 ha; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây 365,8 ha. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án dự kiến khoảng hơn 2.066 tỷ đồng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.