Hơn 8 giờ sáng, ngồi bán gần hết thúng xôi trên vỉa hè, khách đã vãn, anh Vũ Văn Nam ở làng Gạ (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) tranh thủ kiểm đếm lại mớ tiền lẻ trong túi. Đếm xong anh kể: “Tôi bán xôi được 6 năm rồi. Mỗi ngày tôi bán hết một thúng, toàn khách quen mua ăn thôi”.
Anh Nam kể, trước kia anh từng tốt nghiệp trường ĐH Tài nguyên và Môi trường chuyên ngành Quản lý đất đai. Ra trường một thời gian, anh xin vào làm địa chính xã - công việc đúng chuyên ngành lại là công chức nhà nước, luôn ổn định, khá nhàn và không bị áp lực. Thế nhưng, đi kèm với đó, lương mỗi tháng chỉ được hơn 2 triệu đồng.
Làm được hơn một năm, anh quyết định nghỉ việc, bởi mức thu nhập trên anh không đủ trang trải cuộc sống, nhất là khi có gia đình, đồng lương đó lại càng khó sống hơn dù cả nhà anh đã chắt bóp chi tiêu, giảm khoản này, cắt khoản kia.
Xin nghỉ công việc nhà nước ổn định mà bao nhiêu người cố gắng có được, anh quyết định về bán xôi theo nghiệp của bố mẹ mình.
Anh Nam tất bật với công việc bán xôi của mình. |
“Khi tính toán chuyện nghỉ việc, tôi bị bố mẹ phản đối vì đã tốn tiền học đại học mà giờ lại về làm công việc tay chân là bán xôi, trong khi làm nhà nước an nhàn. Song, tôi nghĩ, làm nhà nước thì không thể đủ sống, chẳng lẽ vì an nhàn mà chịu nghèo khổ”, anh Nam tâm sự.
Nghỉ việc để đi bán xôi, lúc mới đầu anh học nấu xôi trắng theo công thức mẹ anh truyền đạt lại cho. Song, anh Nam vẫn thấy cực nhọc, vất vả vì phải thức khuya dậy sớm. Khi đó, do khách chưa quen nên ngày chỉ có khoảng 40-50 khách mua, thu nhập không cao như bây giờ nhưng cũng hơn nhiều so với thời làm công chức nhà nước.
Làm được một thời gian anh bắt đầu nấu nhiều loại xôi hơn như: xôi dừa, lạc, đỗ, ngô, gấc, xéo, đậu đen,... Công việc anh làm cũng quen dần, đặc biệt việc chọn nguyên liệu và chia tỷ lệ nấu không mất nhiều thời gian như trước, hay chỉ cần ngửi mùi hương là biết xôi đã đạt hay chưa.
Qua ngày tháng và nhiều lần chế biến, kinh nghiệm nấu xôi của anh ngày một phong phú. Anh học hỏi được nhiều hơn nên xôi ngon hơn, thơm dẻo hơn, khách tới mua cũng tăng gấp 3-4 lần so với trước. Kéo theo đó, doanh thu tăng lên 3-4 triệu/ngày.
Thế nhưng, để có khoản thu nhập ổn định như trên, ngoài công việc bán xôi trên vỉa hè Hà Nội hàng ngày, anh Nam còn nhận đặt làm xôi cho các nhà hàng, khách sạn, các đám cỗ cưới, giỗ chạp,....
Quyết định bỏ việc nhà nước về bán xôi, anh Nam có thu nhập cao và ổn định hơn rất nhiều. |
Đặc biệt, thay bằng làm giờ hành chính ngày 8 tiếng như trước kia, công việc này đòi hỏi anh phải thức khuya dậy sớm. Bởi, để nấu ra được những gói xôi thơm dẻo mất khá nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn, như: gạo phải được vo sạch, sau đó ngâm chừng 3-4 tiếng đồng hồ thì mang ra đãi, rồi tiếp tục ngâm thêm khoảng 10 tiếng nữa.
Trước khi nấu, xóc gạo là công đoạn vất vả nhất. Phải xóc gạo thật kĩ, đều thì xôi mới ngon, tơi và không bị nát. Thời gian đồ xôi cũng mất cả tiếng đồng hồ. Trong quá trình đồ, khi nước sôi phải cắm đũa xung quanh chõ cho hơi nước thoát lên đều thì xôi mới chín khô. Đến lúc gần chín thì mở nắp, vẩy chút nước rồi để nhỏ lửa. Xôi ngon là xôi đủ độ dẻo, hạt xôi bóng, không nát.
“Thường để xôi ngon thì phải đồ hai lần. Lần thứ nhất đồ vào chiều hôm trước, khi chín dỡ ra ngoài cho xôi nguội. Sáng sớm hôm sau, tôi lại dậy từ 4 giờ sáng cho xôi vào nấu tiếp lần hai rồi mới mang đi bán, như thế mới đảm bảo độ dẻo và thơm của xôi”, anh chia sẻ.
Anh Nam tiết lộ, trung bình mỗi ngày anh bán cả tạ xôi, mỗi tháng anh thu khoảng 100 triệu đồng, trừ đi chi phí anh đút túi khoảng 30 triệu đồng tiền lãi.
Thực ra, mỗi nghề có một cái sướng - khổ riêng, anh kể. Song, anh hài lòng với quyết định bỏ làm nhà nước cách đây 6 năm của mình để về đi bán xôi ngoài vỉa hè. Vì nhờ công việc này mà cuộc sống của gia đình anh sung túc, không còn cảnh thiếu thốn như trước kia.
Xôi hoa đậu đẹp không nỡ ăn của bà mẹ đơn thân
Đằng sau những đĩa xôi hoa đậu đẹp không nỡ ăn là câu chuyện cuộc đời truân chuyên của bà mẹ đơn thân. |
Xôn xao nhóm cô gái trẻ bán xôi kèm "quẩy"
Chiêu tiếp thị xôi đang gây tranh luận xôn xao trong cộng đồng mạng những ngày qua: Một nhóm gái trẻ, vừa bán xôi vừa ... |
Gánh xôi nửa thế kỷ ở góc đường Sài Gòn
Nuôi con lớn lên bằng gánh xôi, khi về già cũng phải nhờ xôi. Ông Lê Thành Hòa và bà Trần Thị Ảnh đã hơn ... |