Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. (Ảnh: TTO)
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Trần Tuấn Anh cho biết với trách nhiệm và chức năng quản lí mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu rà soát lại những vướng mắc trong vấn đề pháp lí, quản lí tại địa phương để xem trách nhiệm cụ thể, từ đó siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lí mặt hàng này.
Khi được hỏi cụ thể hơn các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ chối trả lời và đề nghị phóng viên liên hệ với các thứ trưởng phụ trách quản lí thị trường và xăng dầu của Bộ Công Thương.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị từng điều tra, xử lí nhiều vụ xăng dầu lậu, kém chất lượng - cho hay, để bắt được một vụ xăng dầu làm giả là rất khó và mất nhiều thời gian.
Theo đó, nếu chỉ dựa vào các cơ quan như quản lí thị trường, khoa học và công nghệ thì không thể làm được. Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán xăng dầu, sản xuất xăng kém chất lượng ngày càng tinh vi, tự mua hoá chất về pha trộn với xăng.
"Muốn bắt và xử lí hình sự thì phải bắt được quả tang, còn bắt trên đường vận chuyển thì không làm gì được. Khi đó nếu có kiểm định thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng.
Muốn bắt quả tang những đối tượng như vậy thì phải lập án đấu tranh, mất nhiều thời gian, có khi lên tới cả năm, nên các lực lượng phải cùng phối hợp, gồm công an, khoa học công nghệ, quản lí thị trường", ông Cầu cho hay.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hà Nội Hoàng Văn Cường - Phó Giám đốc ĐH Kinh tế quốc dân - cho rằng việc cơ quan công an điều tra, phát hiện đường dây sản xuất xăng dầu kém chất lượng quy mô lớn cho thấy việc kiểm tra, kiểm soát và quản lí còn nhiều yếu kém và bất cập.
"Với vụ này, để làm rõ có lợi ích nhóm hay không, phải chờ điều tra. Rõ ràng để xảy ra như vậy cho thấy sự yếu kém, vì xăng dầu là mặt hàng có sự kiểm soát của nhà nước, có nhiều khâu quản lí như nhập khẩu, sản xuất, thuế đầu vào đầu ra, cũng là ngành kinh doanh có điều kiện, thường xuyên có quản lí thị trường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, phân phối, nhưng cơ quan quản lí lại không làm đến nơi đến chốn", ông Cường nhận định.
Đại biểu Hà Nội cũng cho rằng để hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng hoành hành trên thị trường là Bộ Công Thương chưa hoàn thành trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lí thị trường của Bộ Công Thương, sau đó là của cơ quan kiểm soát kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Do đó, ông Hoàng Văn Cường cho rằng không chỉ cần kiểm tra, kiểm soát mặt hàng xăng dầu, mà với các sản phẩm, phụ phẩm như các hoá chất, phụ gia sử dụng trong sản xuất xăng kém chất lượng, cũng phải được quản lí chặt chẽ, gắn với xử lí nghiêm minh khi phát hiện sai phạm.
"Đây là việc mà không phải riêng Bộ Công Thương làm được mà cơ quan quản lí, pháp luật có trách nhiệm liên quan cũng cần nghiên cứu đề ra các quy định cụ thể trong việc quản lí lưu thông, phân phối. Bộ Tài chính phải có trách nhiệm quản lí hệ thống cửa hàng, đại lí, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nộp đủ thuế không, tức là phải yêu cầu đơn vị bán hàng có đầy đủ hoá đơn đầu vào, đầu ra", ông Cường đề nghị.