Theo kĩ sư Lê Văn Tạch, kĩ sư kĩ thuật của Toyota Việt Nam, xăng giả có thể làm "ảnh hưởng tới hiệu suất, độ bền động cơ, hệ thống nhiên liệu". Tùy vào thành phần có trong xăng giả mà sẽ có những tác động khác nhau đến phương tiện của chủ sở hữu.
Thứ nhất, xăng giả có thể làm hỏng động cơ. Xăng giả được tạo nên từ nhiều hợp chất khác nhau chỉ để kích ổ Ron, những hợp chất này sẽ trực tiếp gây hại cho xe, làm giảm công suất, khiến xe vận hành chậm chạp thậm chí là có nguy cơ gây cháy nổ.
Thứ hai, xăng giả có khả năng bào mòn chi tiết cơ khí. Xăng giả thường có thành phần chính gồm xăng ete và dung môi với mục đích là làm tăng chỉ số octance.
Thành phần này sẽ làm hao mòn nhanh các chi tiết cơ khí, trực tiếp giảm công suất, ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và các hệ thống, như hệ thống xử lí khí xả, các cảm biến của hệ thống nạp, xả…
Ngoài ra, vì xăng bẩn có lẫn các tạp chất nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống bơm xăng, các cảm biến của động cơ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho bộ điều khiển trung tâm của xe, dẫn đến lỗi bơm nhiên liệu, lỗi động cơ, xe khó đề hoặc hay chết máy.
Đặc biệt, nếu dùng xăng giả trong thời gian dài sẽ gây hỏng động cơ, dễ dẫn tới cháy nổ xe, cháy nổ máy móc của các phương tiện khi tham gia giao thông, gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng người sử dụng.
Theo kĩ sư Lê Văn Tạch, về phía góc độ người tiêu dùng, thì "khi xăng đã đổ vào bình và xe đã chạy thì rất khó để xác định xăng giả hay thật". "Những người phải tinh ý lắm mới có thể nhận ra được những thay đổi bất thường của động cơ xe khi sử dụng xăng bẩn, xăng có chất lượng kém", vị kĩ sư này nói thêm.
Theo đó, nếu phương tiện của người dùng thường xuyên có những vấn đề về động cơ, xe hay khó đề hoặc hay chết máy thì nên nghĩ ngay đến khả năng chất lượng xăng có vấn đề, và cần phải mang xe và mẫu xăng đến các trung tâm kiểm nghiệm uy tín để xác định.
Về phía các chuyên gia, bằng định tính cũng có thể kiểm tra xăng giả bằng hai cách. Cách thứ nhất, lấy một tờ giấy trắng nhỏ lên đó vài giọt xăng rồi chờ cho xăng tự bay hơi. Nếu thấy trên mặt giấy không có vết bẩn thì có thể yên tâm về chất lượng xăng đang dùng. Còn nếu thấy quá nhiều cặn bẩn thì xăng đó đã bị pha dầu.
Cách khác, có thể nhỏ một vài giọt xăng lên đầu ngón tay để cảm nhận độ bám dính. Nếu thấy có hiện tượng bám dính (nhờn nhờn) thì đó là xăng đã bị pha dầu và không nên mua.
Khi phát hiện đã mua phải xăng giả, người tiêu dùng nên làm gì? (Ảnh minh họa: Thanh Niên).
Khi nghi ngờ chất lượng xăng, người tiêu dùng phải ngay lập tức ngừng việc sử dụng phương tiện và mang đến các cơ quan thẩm định để kiểm tra, đánh giá.
Tiếp theo là phải rút sạch xăng ra khỏi bình, mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng xe yêu cầu xử lí xúc rửa bình, kim phun và bơm nhiên liệu. Tùy vào thời gian xăng giả đã được xử dụng, người dùng cần yêu cầu nhân viên kiểm tra tổng thể chi tiết động cơ xe để có những sửa chữa, thay thế kịp thời.
Sau đó thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan như công an, cảnh sát thị trường,…vì theo kĩ sư Lê Văn Tạch, việc buôn bán xăng giả liên quan đến tội danh "lừa đảo, làm giả", do đó cơ quan công an có thể khởi tố phía kinh doanh và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ngày 6/6, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo thông tin về vụ án sản xuất, mua bán xăng dầu giả quy mô lớn. Qua kiểm tra cửa hàng xăng dầu Vinh Quang (TX.Gia Nghĩa) và hai đại lí khác ở H.Đắk R'lấp và H.Đắk Glong (Đắk Nông), phát hiện một khối lượng lớn xăng giả được nhập về để bán ra thị trường..
Từ ngày 28/5 - 2/6, ban chuyên án đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Nông cùng các đơn vị nghiệp vụ phối hợp bắt quả tang các nghi can đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với các chất kích RON, bột màu tạo thành xăng giả; tổ chức khám xét tại các địa điểm là nơi pha trộn thuộc địa bàn: TP HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, từ đầu năm 2017 đến nay, các bị can đã bỏ ra hơn 3.000 tỉ đồng để mua dung môi và hóa chất chế tạo xăng giả, mỗi tháng đưa ra thị trường tiêu thụ hàng triệu lít xăng giả.
Đến nay, đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại; trong đó có 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 3 tàu thủy, 6 ô tô (xe bồn), 5 máy bơm, 50 kg chất tạo màu và nhiều tang vật có liên quan khác.