Ngày 6/6, sau buổi họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu chuyên án phá đường dây buôn bán xăng giả của ông Trịnh Sướng (50 tuổi, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng), đại tá Lê Vinh Quy - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, đã có những chia sẻ về quá trình phá án.
Đại tá Lê Vinh Quy. (Ảnh: Phương Nghi).
Theo đại tá Quy, sau khi phát hiện 3 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông buôn bán xăng giả, Công an tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Bộ Công an và xác lập chuyên án mang bí số 018 SM, do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm Trưởng ban.
Thực hiện chuyên án, khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ tỉnh này được cử đi phối hợp với lực lượng của Bộ Công an, tiến hành trinh sát trong thời gian dài. Mục tiêu đặt ra phải triệt xóa nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất xăng giả và bắt quả tang được quá trình pha chế hàng kém chất lượng.
Điểm đặc biệt là cán bộ tham gia chuyên án phải biết nói tiếng miền Tây. Bởi các doanh nghiệp chủ yếu nằm ở các tỉnh miền Tây như: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và cả TP HCM.
Các loại hóa chất được đường dây này sử dụng để sản xuất xăng giả. (Ảnh: Phương Nghi)
Quá trình điều tra, nhà chức trách xác định, ban đầu, các đối tượng tiến hành pha trộn xăng giả ngay tại cửa hàng. Sau đó, họ chuyển sang pha trộn trong các kho hàng, tàu biển.
Các đối tượng tham gia pha chế, sản xuất xăng giả đều hoạt động khép kín. Ở kho chứa không bảng hiệu, quá trình pha chế diễn ra rất nhanh và được cảnh giới cẩn trọng, người lạ không được đến gần. Việc này khiến CQĐT gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận, bắt quả tang.
Đặc biệt, Công ty Mỹ Hưng của đại gia Trịnh Sướng còn dùng tàu cỡ lớn để vận chuyển dung môi bằng đường thủy. Khi cập bến, các đối tượng bơm xăng A95 thật xuống tàu để tiến hành pha trộn, sản xuất xăng giả.
Về cách thức, các đối tượng đã sử dụng dung môi sản phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ có chỉ số RON và octan rất thấp, pha với xăng A95 cùng chất tạo màu thành xăng giả.
Vật chứng thu được và kết quả giám định thể hiện, hơn 100 mẫu xăng đường dây này sản xuất không phù hợp với quy chuẩn.
Theo ông Quý, loại xăng kém chất lượng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ cháy nổ phương tiện. Hiện, Công an tỉnh Đắk Nông đã báo cáo với Bộ Công an thông báo cho công an trên toàn quốc rà soát lại xem các phương tiện cháy nổ trong 3 năm gần đây, để làm rõ có phải do xăng giả hay không.
"Theo lời khai của một số đối tượng, từ ngày 1/1/2017 đến nay, số tiền họ sử dụng mua dung môi chế tạo xăng giả là trên 3.000 tỉ đồng. Trung bình mỗi tháng, các đối tượng đưa ra thị trường tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả. Địa bàn tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước", đại tá Lê Vinh Quy nêu.
Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, 23 đối tượng bị khởi tố thuộc nhiều doanh nghiệp, không riêng gì công ty của ông Trịnh Sướng. Mối liên kết giữa các công ty này vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ.