Mới đây, theo thông tin báo chí đưa về việc một số đại lí phân phối bia tại TP HCM bị Heineken Việt Nam cắt khoản hỗ trợ hàng tháng (từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng), nếu bán bia của hãng khác.
Điều đó có nghĩa là nếu đại lí đã đồng ý bán bia cho Heineken, thì chỉ được bán bia của hãng này, mà không được bán bia của hãng khác.
Nhận thấy dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh của Heineken Việt Nam, sáng 28/10, Cục Cạnh tranh và Báo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương) đã lên tiếng về vụ việc này.
Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã nhận được thông tin từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia phản ánh về chính sách của Heineken đối với các đại lí có bán bia của hãng khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, Cục đã tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp để hướng dẫn qui trình, thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh theo qui định của pháp luật về cạnh tranh, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp liên quan thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp thông tin chính thức để Cục có cơ sở xem xét theo đúng qui định.
"Cục hiện đang tiếp tục phối hợp tích cực với các bên liên quan để thu thập thông tin về vụ việc. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, Cục sẽ xử lí và công khai kết quả xử lí theo qui định hiện hành" đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hiện 90% thị phần ngành bia tại Việt Nam đang thuộc về 4 ông lớn gồm Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg, dựa theo sản lượng bán ra năm 2018.
Trong đó Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) đang là doanh nghiệp dẫn đầu với thị phần áp đảo 43%. Đứng thứ hai là Heineken với 25% thị phần trong tay.
Đầu tháng 10 vừa qua, Heineken cũng đã hoàn tất thoái vốn tại Sabeco bằng việc bán 25,2 triệu cổ phiếu của Sabeco với giá 184.000 đồng/cp.
Số cổ phần này cũng tương đương 3,93% tổng số cổ phiếu mà Able Win Gain Limited (thuộc nhóm cổ đông Heineken) đang nắm giữ.
Trước đó vào giữa tháng 11/2019, Heineken Asia Pacific ra thông báo bán thành công gần 5,2 triệu cổ phiếu SAB với giá 234.400 đồng/cp, mang về cho tổ chức này xấp xỉ 1.219 tỉ đồng, giảm tỉ lệ sở hữu tại Sabeco từ 1,2% xuống chỉ còn 0,39%.
Như vậy, Able Win Gain Limited và Heineken Asia Pacific, cùng được sở hữu bởi công ty mẹ Heineken N.V. đang sở hữu 27,7 triệu cổ phiếu SAB, chiếm 4,32% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Hiện tại, hai cổ đông lớn đang sở hữu Sabeco là ThaiBev với tỉ lệ sở hữu 53,59%, tiếp sau là Bộ Công Thương với 36% cổ phần.
Liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh ngành bia Việt Nam từ đầu năm đến nay, theo tìm hiểu các doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó khi đứng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động trực tiếp từ Nghị định 100 bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm ngoái.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp lớn nhất ngành bia đã giảm 35% so với cùng kì, đạt 12.123 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.930 tỉ đồng, giảm hơn 30%.
Trước bối cảnh chung, ban lãnh đạo Sabeco đã đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm gần 40% so với năm 2019. Đây cũng là mục tiêu thấp nhất mà Sabeco đề ra kể từ năm 2016.
Về phía đối thủ, tình hình cũng không khả quan hơn khi Heineken cho biết tổng lượng bia tiêu thụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm gần 5% so với cùng kì năm trước, đưa doanh thu thuần cả khu vực giảm hơn 10%.
Trước đó, thị trường bia Việt Nam từng được coi là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp trong ngành.
Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor từng gọi Việt Nam là "chiến trường của các hãng bia" bởi tốc độ tăng trưởng cao trong suốt thập niên đã thu hút nhiều tên tuổi gia nhập thị trường.
Nếu như các thị trường đã phát triển gồm châu Âu, Mỹ, Trung Quốc có mức tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng thì thị trường bia Việt Nam vẫn đều đặn tăng 5% - 6% mỗi năm.
Theo Euromonitor, trong giai đoạn 2019-2023, ngành bia tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 6-7%/năm. Năm 2019, doanh thu thị trường đạt quy mô 7,7 tỉ USD và kì vọng lên 8,2 tỉ USD trong năm 2020 này.