Bộ Giáo dục giải thích tại sao hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý

Hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý là điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý. Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã đề ra hướng mở và còn tiếp tục đón nhận góp ý.

Lời toà soạn: Sau khi đăng tải các ý kiến băn khoăn về vấn đề "Chuẩn hiệu trưởng đại học Việt Nam liệu có "ngáng chân" giáo sư Mỹ?", VietNamNet đã nhận được phản hồi của Bộ GD-ĐT. Để rộng đường dư luận, VietNamNet giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) trao đổi chi tiết hơn về quá trình này.

Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định về một trong các tiêu chuẩn hiệu trưởng: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm” (Điều 20, khoản 2, điểm a).

Vì vậy, trên bình diện chung nhất, ở thời điểm hiện nay, các văn bản dưới luật và thực tế thực thi pháp luật đều tuân thủ quy định này.

Thực tế, trong tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này.

Trong phạm vi quan sát của chúng tôi ở Việt Nam và nhiều nước khác đều cho thấy hầu như không có hiệu trưởng trường đại học nào mà trước khi được bổ nhiệm lại chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực được giao quản lý. Càng các trường uy tín thì kinh nghiệm của các ứng viên hiệu trưởng càng quan trọng. Đó cũng là một trong các căn cứ để lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất trong số các ứng viên dự tuyển.

Hiện nay, Luật Giáo dục Đại học đang được sửa đổi, bổ sung và Điều 20 nêu trên cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Ở 3 dự thảo đầu, Ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học”. Năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học này sẽ do hội đồng trường, hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.

Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở 5 vùng (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, với thành phần tham gia là đại diện các trường đại học, các chuyên gia giáo dục, các doanh nghiệp…), nhiều ý kiến góp ý không nên hạ thấp tiêu chuẩn tại điểm a, khoản 2 Điều 20 của Luật hiện hành, quy định trên tại Dự thảo 3 chưa rõ… cần quy định để định lượng rõ về tiêu chuẩn này.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, từ Dự thảo 4, Ban soạn thảo tiếp tục quy định tiêu chuẩn này: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 05 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên”. Nội dung của dự thảo vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm ở cơ sở giáo dục đại học mà có thể quản lý giáo dục đại học ở các cơ quan bộ, ngành, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ…

Qua hai dự thảo 4, 5 cho đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo. Những nội dung của Dự thảo sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội theo quy trình soạn thảo văn bản luật và sẽ tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tế để đảm bảo chuẩn chất lượng đối với chức danh quản lý quan trọng này, đồng thời, đảm bảo quyền của Hội đồng trường nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nói chung.

Cá nhân tôi cho rằng ngay cả khi cần phải có quy định chuẩn hóa, định lượng hóa các tiêu chuẩn chức danh như vậy (để lựa chọn, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ quản lý kế cận, chuyên nghiệp…) thì pháp luật vẫn cần có quy định mở trong những trường hợp nhất định có thể chấp nhận những cách giải quyết linh hoạt, không nên quá máy móc.

Tất nhiên, cần đảm bảo các điều kiện như: đảm bảo mặt bằng chung về các tiêu chuẩn tối thiểu; do hội đồng trường, hội đồng quản trị lựa chọn, quyết định; nếu chưa đủ điều kiện này thì phải có các điều kiện cần thiết khác vượt trội hơn… Hội đồng trường, hội đồng quản trị phải giải trình được một cách thuyết phục về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường.

bo giao duc giai thich tai sao hieu truong phai co 5 nam kinh nghiem quan ly Cận cảnh Dự án Cocobay Đà Nẵng vừa bị Bộ Xây dựng kết luận sai sót hàng loạt

Dự án Cocobay Đà Nẵng tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng bị Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản kết luận số ...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.