Đầu buổi làm việc chiều 26/10, Trưởng ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.
461/466 đại biểu đồng ý phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể giữ chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Số phiếu dành cho ông Lê Minh Khái là 464/466.
Với tuyệt đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận phê chuẩn việc bổ nhiệm. Chúc mừng 2 thành viên Chính phủ mới, Chủ tịch Quốc hội mong các tân Bộ trưởng Giao thông và Tổng Thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng chúc mừng 2 thành viên mới của Chính phủ. Ảnh: Hiếu Duy. |
Ông Nguyễn Văn Thể (sinh năm 1966, quê xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng khóa XIV. Ông Thể từng có 2 năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Lê Minh Khái (sinh năm 1964, quê xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, Bạc Liêu) là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu khóa XIV. Ông Khái gắn bó với ngành kiểm toán và có 7 năm giữ cương vị Phó tổng Kiểm toán Nhà nước.
Liên quan đến nhân sự của 2 vị trí này, chiều 25/10, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ đối với Bộ trưởng Giao thông Vận tải với ông Trương Quang Nghĩa. Ông Nghĩa đã được phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Quốc hội cũng miễn nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu. Ông Sáu được Bộ Chính trị đồng ý phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Không có thời gian nghỉ ngơi
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp JICA cho rằng khi nhận chức, tân Bộ trưởng GTVT sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi bởi ngành giao thông đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức.
Việc cần phải giải quyết ngay là những bất cập ở các dự án, trạm BOT trên cả nước. "Đây như một ngọn lửa cháy trước mắt, một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Thời gian qua, người dân phản đối các trạm thu phí diễn ra trên cả nước. Bộ GTVT có những động thái xử lý nhưng kết quả thu được không nhiều", tiến sĩ Đức nói.
Vị này cho rằng thách thức thứ hai đối với tân Bô trưởng GTVT chính là bố trí nguồn vốn. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn ODA và xây dựng các dự án bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) để xây dựng các công trình lớn do ngân sách nhà nước hạn hẹp.
Trong thời gian tới, chắc chắn ngành giao thông sẽ phải tiếp tục thực hiện dự án bằng hình thức PPP như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường sắt Bắc - Nam... Tuy nhiên, sau hàng loạt “sự cố” xảy ra ở dự án BOT, các nhà đầu tư đang có tâm lý bớt mặn.
Cùng chung suy nghĩ ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, khẳng định: "Ngồi ghế nóng của Bộ GTVT chưa bao giờ dễ thở. Tân Bộ trưởng phải dám đối diện với những bất cập của ngành, không đổ lỗi cho người tiền nhiệm".
Ông chỉ ra 3 thách thức lớn đối với người sẽ được chọn làm tư lệnh ngành giao thông khi phải đối mặt với hệ lụy của các dự án BOT thời gian qua.
Thứ nhất, đó là việc đặt các trạm thu phí trên cả nước. Trạm nào chưa hợp lý phải di chuyển, trạm nào thu phí cao phải hạ xuống.
Thứ hai, tân Bộ trưởng phải trình lên Chính phủ luật về đầu tư các dự án BOT. Nếu không hoàn thiện chính sách, luật về PPP, BOT chắc chắn thời gian tới các doanh nghiệp sẽ không dám vào các dự án để đầu tư. Đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam chủ yếu xây dựng bằng hình thức BOT.
Thứ ba, tìm nguồn vốn cho các “đại dự án” sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất... Muốn phát triển kinh tế, hạ tầng phải đi trước.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thì cho rằng điều quan trọng với Bộ trưởng Giao thông là phải có tầm nhìn tổng thể về quy hoạch. Ví dụ quy hoạch đô thị, nông thôn với quy hoạch giao thông để làm sao các tuyền đường trở thành mạch chảy nhưng đảm bảo không để lãng phí.
Chấn chỉnh trong chính ngành thanh tra
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động đòi hỏi rất cao với người đứng đầu Thanh tra Chính phủ.
“Từ hoạt động thanh tra của ngành phải phát hiện đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho người dân”, đại biểu Vân nói.
Theo ông, hoạt động hành pháp rất dễ xảy ra vi phạm pháp luật, tiêu cực hay lạm quyền, trục lợi. Chính vì thế, kiểm soát tốt được nội bộ, kiểm soát được bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vô cùng hệ trọng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khẳng định trên thực tế, phần lớn vấn đề tham nhũng, lãng phí đều liên quan đến tài chính. Do đó, người đứng đầu ngành thanh tra tới từng giữ chức Phó tổng Kiểm toán Nhà nước là một thuận lợi lớn. "Tôi kỳ vọng khi có tân Tổng Thanh tra Chính phủ, ngành thanh tra sẽ thuận lợi trong việc phát hiện tham nhũng, lãng phí", ông nói.
Hôm nay tân Bộ trưởng Giao thông, Tổng thanh tra ra mắt
Ngày 26/10, Quốc hội tiến hành thủ tục phê chuẩn bổ nhiệm các ông Nguyễn Văn Thể, Lê Minh Khái vào vị trí Bộ trưởng ... |