Trò chuyện với VietNamNet, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh: “Những năm gần đây, công tác phòng chống tham nhũng đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trong người dân”.
Trong đó, phải kể đến những chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hành động của toàn hệ thống chính trị đã tạo dấu ấn, được người dân ghi nhận.
Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt |
"Có thể nói, câu chuyện lò nóng, củi tươi, củi khô của Tổng bí thư chưa bao giờ được người dân cả nước biết đến và ủng hộ nhiều như hiện nay", ông nhận định.
Ông Phạm Trọng Đạt chia sẻ:
Tôi cảm nhận được trong thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Công tác xây dựng luật, cơ chế đã tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ cho công tác phòng chống tham nhũng phấn đấu theo mục tiêu, quan điểm mà Tổng bí thư đã chỉ đạo: “Không được tham nhũng, không dám tham nhũng, không phải tham nhũng”.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng nhanh hơn, nhiều hơn, nghiêm hơn. Đáng chú ý, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, nhiều đại án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử.
Có những vụ án, vi phạm đã xảy ra cách đây 10-20 năm vẫn không thoát, không phải “để lâu cứt trâu hoá bùn” như nhiều người vẫn hay nghĩ.
Có một số vụ việc, nhiều người nghĩ lâu thế thì mọi việc đã xong hết rồi, mua bán đã xong, ai còn nhớ nữa và khó có thể động đến được. Thế nhưng những vụ việc này vẫn được phát hiện và lôi ra xử lý rất nghiêm minh.
Ví dụ như vụ án cán bộ cao cấp như ông Đinh La Thăng xảy ra từ thời ông ấy làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, hơn cả chục năm nhưng nay vẫn phát hiện và đưa ra xét xử, không có vùng cấm.
Việc đưa ra xét xử nhiều đại án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay?
Việc đưa ra xét xử nhiều đại án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Bởi lẽ nó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng.
Mọi hành vi tham nhũng đều được đưa ra xem xét và xử lý rất nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có “trên nhẹ dưới nặng”, không loại trừ cán bộ cấp cao…
Điều nay đã mang lại niềm tin và dần dần củng cố uy tín của Đảng đối với người dân, huy động được sức mạnh cùa người dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng, góp phần giúp xã hội ổn định hơn, kinh tế tăng trưởng hơn.
Đặc biệt, những vụ án này có ý nghĩa răn đe rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người có chức quyền.
Tổ chức đặc biệt, cơ chế đặc biệt, con người đặc biệt
Bên cạnh những chuyển biến đạt được, trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng cũng nhìn nhận tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi và đây vẫn là một trong những vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay?
Đúng là tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi. Việc này thể hiện qua số vụ tham nhũng phát hiện tuy có tăng lên nhưng so với thực tế còn cách nhau xa, người dân còn rất bức xúc với tình trạng tham nhũng vặt diễn ra hầu hết ở các cấp cơ sở.
Đáng chú ý là tham nhũng được bao bọc bởi lợi ích nhóm của một số lãnh đạo, kể cả cán bộ cấp cao biến chất, bao che cho tham nhũng diễn ra hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.
Hay như tình trạng tham nhũng xảy ra ngay trong cơ quan chống tham nhũng làm cho người dân mất niềm tin, mất chỗ dựa.
Đặc biệt là thời gian gần đây rộ lên câu chuyện tham nhũng trong công tác cán bộ, trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như tình trạng cả họ làm quan xảy ra ở nhiều địa phương, bổ nhiệm thần tốc ở một số nơi.
Đây cũng là điều khiến người dân chưa hài lòng, thậm chí rất bức xúc và là 1 trong những nội dung xảy ra khiếu kiện rất nhiều trong thời gian qua, chỗ nào cũng có bổ nhiệm thần tốc với sai quy trình.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn và trị được quốc nạn tham nhũng đang gây bức xúc trong nhân dân hiện nay?
Chúng tôi đang trình QH sớm thông qua luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý và tăng thẩm quyền, tháo gỡ những bất cập ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng.
Trên cơ sở QH thông qua luật này, phải xây dựng được cơ quan chuyên trách nòng cốt về phòng chống tham nhũng vừa hồng vừa chuyên và độc lập tương đối.
Hay nói cách khác, trong trường hợp đặc biệt thì phải có một tổ chức đặc biệt với cơ chế đặc biệt và con người đặc biệt hơn.
Ví dụ như về phía Đảng, mới đây Bộ Chính trị ban hành quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UB Kiểm tra trong công tác phòng chống tham nhũng.
Trong đó có tăng thẩm quyền: UB Kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh. Khi cần thiết, UB Kiểm tra đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.
UB Kiểm tra cũng có thẩm quyền yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.
Về phía Nhà nước cũng cần những quy định, cơ chế tương tự để phát huy được sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo tập trung của Đảng.
Trong đó, phải xây dựng được cơ chế giám sát quyền lực một cách tốt nhất như Tổng bí thư đã nói: “Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế, pháp luật”.
Bí thư Đà Nẵng nói về tài sản của Giám đốc Công an thành phố
“Về tài sản của đồng chí Tam (ông Lê Văn Tam - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng), hiện nay Uỷ ban Kiểm tra ... |
Tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng: 'Không thể tham nhũng xong đi tù về ăn tài sản tham nhũng được'
Ngày 21/6, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Trương Quang Nghĩa (trưởng đoàn) đã có buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ ... |
Thân thế bất ngờ cựu Tổng thống Philippines vừa dính án tham nhũng
Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, người đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng, là con trai của bà Corazon Aquino - nữ ... |